Làng bột trăm tuổi và những bước tiến mới

Cập nhật ngày: 20/08/2016 05:54:19

ĐTO - Hiện nay, hội nhập kinh tế là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn khi làng nghề truyền thống chưa chuẩn bị đủ lực để hòa nhập với sân chơi mới. Tuy nhiên, ở làng nghề làm bột gạo Sa Đéc và Châu Thành, làn sóng hội nhập lại trở thành động lực thúc đẩy làng nghề vươn mình.


Đưa máy móc thiết bị vào sản xuất giúp giảm công lao động và nâng cao chất lượng bột

Trước đây, phần lớn các cơ sở làm bột ở Sa Đéc, Châu Thành đều sản xuất theo phương thức thủ công là chính. Tất cả các công đoạn từ vo gạo, xay bột, nén bột, đánh tơi đều được làm thủ công nên mất rất nhiều công lao động, trong khi năng suất lại không cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Giai đoạn gần đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) Đồng Tháp, nhiều hộ sản xuất đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất bột, làn sóng này tạo được sức lan tỏa lớn và giúp làng nghề từng bước thay đổi diện mạo.

Là một trong những cơ sở sản xuất bột gạo lâu đời, có uy tín ở làng nghề, cơ sở sản xuất bột Tư Nương ngụ phường 2, TP.Sa Đéc không những trở thành địa chỉ quen thuộc của các nhà sản xuất hủ tiếu, bánh phở, bún tươi của địa phương, TP.Hồ Chí Minh mà còn là đối tác chiến lược, nhà cung cấp nguyên liệu cho Công ty xuất nhập khẩu Sa Giang. Để đạt được thành công trên, đơn vị đã có những đột phá mới trong sản xuất, nhất là đưa máy móc thiết bị hiện đại tham gia vào quy trình sản xuất, thay thế dần lao động thủ công.

Ông Nguyễn Văn Nương - chủ cơ sở cho biết: “Hiện nay, yêu cầu của người tiêu dùng ngày một cao hơn, sản phẩm truyền thống cũng không còn tiêu thụ quẩn quanh ở thị trường nội địa như trước đây mà sẽ vươn ra thị trường thế giới. Để tồn tại và phát triển bền vững, không có cách nào khác là phải tự mình thay đổi, tự mình khắc phục hạn chế và mang đến cơ hội cho chính mình”.

Hiện tại, với việc đầu tư đồng bộ các trang thiết bị như: máy vo gạo, máy xay bột, máy ép ly tâm, máy đánh tơi, dàn lắng bột thế hệ mới... giúp cho cơ sở nâng cao năng suất sản xuất từ vài trăm ký bột tươi/ngày lên trên 3,5 tấn/ngày. Nhờ đầu tư máy móc theo quy chuẩn, sản phẩm bột gạo làm ra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản xuất, giúp sản phẩm cạnh tranh hơn.

Một trong những tín hiệu đáng mừng hiện nay là các cơ sở sản xuất bột đang có sự quan tâm sâu sắc về đảm bảo vệ sinh môi trường trong sản xuất khi có điều kiện đầu tư hơn, thì vấn đề kiểm soát ô nhiễm được các đơn vị ưu tiên hàng đầu.

Ông Bùi Hữu Lộc - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Lộc Sánh (xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành) cho biết: “Trong giai đoạn kinh tế hội nhập như hiện nay, để phát triển bền vững, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về sản phẩm chất lượng, quy trình sản xuất cũng phải đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Để kịp thời bắt nhịp với xu hướng mới, doanh nghiệp Lộc Sánh đang mở rộng đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại như: máy tách nước hút chân không, hệ thống sấy khép kín và hiện đại... Các loại trang thiết bị này không những giúp nâng cao hiệu suất sản xuất mà còn giúp đơn vị khắc phục tốt vấn đề xử lý nước thải sau sản xuất, hạn chế bụi phân tán trong môi trường.

Những năm qua, thương hiệu bột Lộc Sánh trở thành cái tên thân quen của các bà nội trợ khắp cả nước. Hiện doanh nghiệp đang cung cấp cho thị trường các dòng sản phẩm như: bột gạo nguyên chất, bột nếp nguyên chất... Ngoài cung cấp cho các hệ thống, kênh phân phối sỉ và lẻ toàn quốc, doanh nghiệp cũng là nhà cung cấp bột nguyên liệu cho các thương hiệu tên tuổi như: Công ty cổ phần lương thực, thực phẩm SAFOCO, Công ty liên doanh bột quốc tế, Công ty TNHH SX - TM - XNK Vĩnh Thuận...

Thông tin về việc hỗ trợ, định hướng cho làng nghề sản xuất bột gạo phát triển, ông Mai Văn Đối - Giám đốc TTKC&TVPTCN Đồng Tháp cho biết, nhằm giúp cho bà con làng nghề làm bột ở huyện Châu Thành và TP.Sa Đéc nâng cao năng lực sản xuất bột, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm bột truyền thống, giảm giá thành sản xuất từ năm 2013 - 2015, TTKC&TVPTCN xây dựng đề án “Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hỗ trợ cho làng nghề sản xuất bột” tại huyện Châu Thành và TP.Sa Đéc”. Thông qua đề án này, nhiều hộ sản xuất bột được Trung tâm hỗ trợ trang thiết bị hiện đại, thay thế dần sản xuất theo quy trình thủ công. Năm 2016 và giai đoạn sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở tập trung đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất bột tiên tiến, kịp thời đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường, giúp làng nghề sản xuất bột phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn