Lưới điện thông minh - mô hình cần thiết

Cập nhật ngày: 05/10/2012 14:21:22

Lưới điện thông minh (Smart Grid) là mô hình bắt đầu được áp dụng từ năm 2005 tại nhiều nước phát triển. Đây là hệ thống điện có thể tích hợp các hành động thông minh của mọi thành phần kết nối vào lưới điện, từ nhà máy điện, người dùng hoặc những đơn vị thực hiện cả hai vai trò này, nhằm nâng cao tính kinh tế, bền vững và đảm bảo cung cấp điện ổn định.


Lắp đặt công tơ điện tử theo công nghệ PLC

Với hệ thống lưới điện thông minh, lưới điện truyền thống sẽ được tích hợp với hệ thống công nghệ thông tin điều khiển và liên lạc tiên tiến để tạo ra hệ thống cung cấp năng lượng tự động hóa cao. Hệ thống lưới điện thông minh còn tăng cường độ tin cậy, an toàn, hiệu quả cho lưới điện; tích hợp và khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mới tái tạo. Đặc biệt, khi áp dụng hệ thống lưới điện thông minh, khách hàng được trao quyền để hiểu rõ về cung ứng và tiêu thụ điện, qua đó chủ động tham gia vào quá trình mua, bán điện.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực này thì lưới điện thông minh và cơ chế đồng bộ cũng có tác dụng giảm phụ tải đỉnh trong giờ cao điểm hoặc trong trường hợp khẩn cấp. Qua đó, hỗ trợ các công ty điện lực và khách hàng quản lý có chính sách kinh doanh, sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm và kiểm soát tốt hơn tình trạng mất điện. Lưới điện với những tiêu chuẩn hỗ trợ tiên tiến này cũng có thể đấu nối vào các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.


Với lưới điện thông minh, ngành điện có thể quản lý, kiểm tra
số liệu kịp thời

Một ví dụ về lưới điện thông minh. Đó là hệ thống công tơ đo đếm tiên tiến (AMI) có khả năng nhận biết và tính toán cho khách hàng chi phí tiền điện khi sử dụng ở những thời điểm giá điện khác nhau (như cao điểm và thấp điểm). Hoặc đối với các nhà máy điện, các nhà truyền tải khi phát triển lưới điện thông minh sẽ tạo điều kiện tốt cho các ứng dụng quản lý, thu thập, xử lý thông tin. Qua đó, đảm bảo tính kịp thời và minh bạch trong giao dịch, mua bán và thanh toán tiền điện trên thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Tại Đồng Tháp, hiện Công ty Điện lực Đồng Tháp đang triển khai Đề án thí điểm của Tổng Công ty Điện lực miền Nam “Đo ghi từ xa bằng công nghệ PLC (Power Line Communication)” - ứng dụng công nghệ đo đếm điện năng kết hợp tự động thu thập dữ liệu, giám sát sử dụng điện của khách hàng từ xa. Ông Đào Hữu Điền - PGĐ Công ty Điện lực Đồng Tháp cho biết: Đề án trên được triển khai tại TP. Cao Lãnh với 3.500 công tơ điện tử theo công nghệ PLC đã được lắp đặt. Sau một thời gian thí điểm, đề án đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Cụ thể, đối với ngành điện, hệ thống lưới điện của đề án này có thể tự động đọc chỉ số điện năng công tơ từ xa, giúp giảm chi phí ở khâu nhân viên ghi điện và giảm sai sót trong việc thu thập, quản lý số liệu; giám sát được các trường hợp sự cố và gian lận điện, góp phần giảm thất thoát điện năng. Hơn nữa, công nghệ PLC có thể truyền tải trên đường dây điện hiện hữu nên giảm được chi phí đầu tư thiết bị... Đối với khách hàng sử dụng điện, với hệ thống lưới điện trên, khách hàng có thể giám sát được chất lượng điện. Đặc biệt, khi có thiết bị điện bị rò điện, với đèn cảnh báo của hệ thống sẽ giúp khách hàng chủ động kiểm tra, đảm bảo an toàn trong sử dụng điện. Ngoài ra, nhờ truyền dữ liệu từ xa nên dù khách hàng vắng nhà, ngành điện vẫn ghi được chỉ số điện.

Theo ông Đào Hữu Điền - PGĐ Công ty Điện lực Đồng Tháp, nhằm từng bước hiện đại hóa công nghệ đo đếm trong kinh doanh điện theo mô hình lưới điện thông minh. Dự kiến từ nay đến cuối năm, cũng trên địa bàn TP Cao Lãnh, công ty sẽ tiếp tục lắp đặt thêm 5.100 công tơ điện tử theo công nghệ PLC. Ông cho biết thêm, khó khăn hiện nay khi triển khai thực hiện là vốn đầu tư, do giá của công tơ điện tử hiện vẫn còn cao hơn nhiều so với công tơ cơ khí. Tuy nhiên, mức chênh lệch giá này đang có xu hướng giảm dần. Trong tương lai, công tơ điện tử nhiều tính năng, có giá thành thấp sẽ được đưa vào lắp đặt phổ rộng rãi hơn theo mô hình lưới điện thông minh.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn