Nâng cao giá trị nông sản từ quy trình sản xuất sạch

Cập nhật ngày: 18/08/2017 10:13:29

ĐTO - Việc Việt Nam gia nhập TPP, bước đầu nhận thấy, TPP vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội, là đòn bẩy cho nông nghiệp trong nước phát triển trong những năm tới. Để tạo sức cạnh tranh cho nông sản, nông dân Việt Nam phải thay đổi ý thức trong sản xuất. Những nhận định này được Giáo sư - Tiến sĩ (GS. TS) Võ Tòng Xuân đưa ra tại hội thảo về “Đẩy mạnh giao thương Việt – Thái” tại Hội chợ quốc tế ASEAN - ẤN ĐỘ vừa qua. Phóng viên báo Đồng Tháp lược ghi những ý kiến của GS. TS Võ Tòng Xuân về những nội dung liên quan.

Thực tế cho thấy, do mức sống ngày càng cao nên chuẩn tiêu dùng của người Thái đang có nhiều thay đổi. Khi mua sắm, người tiêu dùng ở các thành phố lớn của Thái Lan như Bangkok, Phuket, Chiang Mai rất quan tâm tìm chọn những sản phẩm chất lượng an toàn, có nguồn gốc, chứng nhận rõ ràng. Từ lâu, Thái Lan cũng có chương trình ThaiGAP nhằm huấn luyện cho nông dân quy trình sản xuất sạch, an toàn, tốt cho môi trường, cho nền kinh tế... Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm của Thái Lan hiện đã xuất sang các nước ở khu vực ASEAN, Châu Á và cả các nước châu Âu, Mỹ...

Đánh giá về vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, dù nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang vươn lên, tiến bộ nhiều so với trước kia, nhưng lại gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra nước ngoài vì những rào cản. Đó là, thực tế đến nay nông dân vẫn còn sản xuất theo thói quen của mình dù có sự khuyến cáo từ các nhà khoa học, giới chuyên môn. Bởi bà con vẫn chỉ chú trọng vào những kinh nghiệm dân gian. Các sản phẩm nông nghiệp cung cấp làm nguyên liệu để doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gặp không ít khó khăn. Đây là trở ngại từ người sản xuất, cụ thể là bà con nông dân.

Những năm gần đây, nông dân Việt Nam có cơ hội tiếp xúc, quen thuộc những thuật ngữ như GlobalGAP, VietGAP, đặc biệt gần đây là sản xuất theo kiểu hữu cơ, sản xuất sạch. Đây là những cách làm được các cơ quan, chuyên viên, chuyên gia chia sẻ, hướng dẫn để nông dân nhận thấy sản xuất nông nghiệp hiện nay nhất thiết phải áp dụng theo những quy định, quy trình đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu đưa ra.

Những tiêu chuẩn này được đưa ra bởi những nước nhập khẩu luôn chú trọng việc bảo vệ người tiêu dùng của họ, thực phẩm muốn có thị phần ở đất nước họ thì phải đảm bảo chất lượng sạch, an toàn.

Chính vì những nguyên nhân trên, nông sản Việt Nam muốn tiếp cận ra thế giới thì việc đầu tiên là phải từng bước xây dựng quy trình sản xuất hiện đại mà nhiều nước khác đang làm.

Điều quan trọng hơn hết là các ngành chức năng phải khuyến cáo, định hướng cho nông dân quy trình khoa học trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế và ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các loại thuốc được Nhà nước cho phép trong danh sách mà quốc tế công nhận. Bước đầu như thế, từ từ nền nông nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội hơn trong việc chiếm được niềm tin ở thị trường quốc tế với nhiều khu vực khác nhau.

Theo nhận định của giới chuyên môn, năm 2017, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sẽ tăng lên, thu nhập từ trái cây dự kiến có giá trị cao hơn sản xuất lúa. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong đợi trong quy trình canh tác, nông dân cần đảm bảo đúng quy trình sản xuất ra nông sản “sạch”. Từ đó, tạo hiệu ứng tốt trên thị trường, từng bước nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn