Người dân đầu nguồn vào mùa câu, lưới...
Cập nhật ngày: 15/08/2017 06:38:30
ĐTO - Thời điểm này, nước lũ đã tràn trắng đồng, người dân vùng biên giới Hồng Ngự tất bật chuẩn bị ngư cụ mưu sinh mùa nước nổi. Dẫu biết rằng, lượng cá tôm ngày càng ít nhưng nhiều người vẫn miệt mài theo đuổi cái nghề đã gắn bó với họ bao đời nay...
Chú Mọp vui vẻ khi chiếc lọp dính được vài con tôm
Mỗi năm, khi con nước đỏ nặng phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng là lúc báo hiệu mùa nước nổi đã về. Huyện Hồng Ngự được xem là địa phương đầu nguồn của tỉnh, nơi nước đổ về sớm nhất. Hiện tại, những cánh đồng lúa thu hoạch xong - là một vùng nước mênh mông, nên có rất nhiều nông dân tay chèo, tay lưới miệt mài đánh bắt tôm cá. Năm nay, con nước về sớm hơn và cao hơn vài năm trở lại đây.
Hơn 1 tuần nay, chú Phạm Văn Mọp (ngụ ấp 2, xã Thường thới Hậu B) - người có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề đặt lọp tôm đã bắt đầu cho mùa vụ mới. Theo chú Mọp, thời điểm rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, khi con nước “leo qua” bờ đê, tràn lên bờ ruộng là thời điểm người dân theo nghề đặt lọp tôm có thể “thả lọp”.
Mùa lũ năm nay, nước lên nhanh và lớn, với gần 100 cái lọp tôm của mùa vụ năm trước, chú Mọp kỳ vọng lượng tôm thu được sẽ khấm khá hơn mọi năm. Những chiếc lọp xếp ngay ngắn để bên hiên nhà, giờ được đem ra kiểm tra lại kỹ càng. Chú tâm sự: “Cái nghề lọp tôm này như ăn vào máu không bỏ được. Năm nào cũng vậy, không hiểu sao tôi cứ mong con nước về để được lặn hụp với mấy cái lọp này. Lũ về mà không đi đặt lọp được trong người cảm thấy khó chịu lắm!”. Do con nước mới bắt đầu, mỗi ngày chú Mọp chỉ đặt 20 - 30 cái lọp tôm, thu được gần 1kg tôm. “Giờ bắt được ít tôm nhưng những ngày tới có lẽ khá hơn khi con nước tiếp tục “nhảy lên” đồng. Khoảng tháng 7 - tháng 8 âm lịch, thu nhập mới khá hơn nhờ tôm lớn và về đồng nhiều” - chú Mọp nói.
Cũng mưu sinh với nghề lọp tôm, chú Phan Văn Triều (ngụ cùng địa phương với chú Mọp) năm nay đã 62 tuổi cho biết, từ năm 20 tuổi, chú đã đặt lọp tôm. Thời gian thấm thoát mấy mươi năm trôi qua, chú vẫn chưa thể bỏ được nghề. Đang chăm chú ngồi đan thêm mấy chiếc lọp mới, chú Triều cho biết: “Nước về rồi, tôi tranh thủ làm thêm khoảng 40 cái lọp, cộng với số lọp cũ hơn 30 cái để mưu sinh mùa nước này. Theo từng năm, lượng tôm ngày càng ít do hoạt động đánh bắt tận diệt của con người, nên người theo nghề càng gặp khó”. Theo chia sẻ của chú Triều, hiện lọp đan sẵn được bày bán rất nhiều ở các chợ, nhưng chỉ có lọp mình tự tay làm ra mới chạy được nhiều tôm. Bởi thế, mỗi người đã theo nghề đặt lọp tôm đều rất khéo tay trong việc tạo ra những chiếc lọp cho riêng mình.
Chú Phan Văn Triều tranh thủ đan mới vài chục cái lọp tôm để mưu sinh mùa lũ
Tại xã Thường Phước 1, hoạt động mưu sinh mùa lũ bằng nghề câu, lưới, lờ, lọp cũng bắt đầu nhộn nhịp gần 1 tháng nay. Theo một cán bộ của UBND xã Thường Phước 1, rất khó thống kê chính xác số hộ tham gia nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ, nhưng ít nhất cũng có trên 100 hộ. Trong đó, tập trung nhiều ở địa bàn ấp Giồng Bàng với gần 50 hộ theo nghề này. Người dân ấp Giồng Bàng đa phần sống nhờ làm thuê vào mùa khô, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Khi mùa nước nổi tràn về, họ lại tất bật chuẩn bị ngư cụ đánh bắt cá.
Với hơn 700m lưới từ 2 - 4 phân, chú Đỗ Văn Nát đã bắt đầu ra đồng bắt cá hơn chục ngày nay. Gia đình nghèo không có đất sản xuất, cuộc sống của 5 thành viên trong gia đình chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ nghề làm thuê của vợ chồng chú. Nước lũ về, đồng nghĩa với việc làm thuê của vợ chồng chú càng ít đi. Do vậy, nghề câu lưới trong mấy tháng nước nổi này giúp gia đình chú vượt qua khó khăn. “Năm nay nước về sớm, nhờ vậy đi giăng lưới cũng sớm hơn. Cá thu được mỗi ngày chỉ 1 - 2kg. Dù không khấm khá nhưng tiền bán cá cũng giúp gia đình tôi đủ sống và lo cho con ăn học. Thường tôi giăng lưới đến khi nào nước xuống khô đồng mới nghỉ” - chú Nát chia sẻ.
Những năm gần đây, nước lũ về ít, lượng tôm cá cũng cạn kiệt dần, cuộc sống của những ngư dân mưu sinh vùng lũ cũng vì thế mà càng khó khăn hơn. Ông Nguyễn Văn Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết: “Năm nào cũng vậy, thời gian này, nhiều hộ dân ở địa phương chuẩn bị phương tiện, dụng cụ khai tác thủy sản. Thế nhưng, những năm gần đây nguồn thủy sản thiên nhiên ban tặng không còn nhiều, kéo theo đó là cuộc sống người dân hết sức khó khăn. Nhiều người vì thế mà bỏ quê đi làm thuê ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Nhưng vẫn còn nhiều người bám quê, bên chiếc xuồng với tấm lưới, cái lọp... để bắt từng con cua, con cá”.
Dù vất vả với cái nghề giáp mặt cùng “bà thủy”, nhưng mỗi năm những người dân vùng lũ vẫn cứ “ngóng” mãi con nước lớn. Tất cả họ đều cầu mong đón một mùa “lũ đẹp”.
P.L