Nắng nóng kéo dài, chủ động phòng ngừa cháy rừng

Cập nhật ngày: 09/03/2019 15:35:57

ĐTO - Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài và diễn biến phức tạp khiến cho nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra cháy.


Vườn Quốc gia Tràm Chim tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Nguy cơ cháy rừng cấp độ III

VQG Tràm Chim có diện tích lâm nghiệp hơn 7.300ha được phân bố đều tại 5 phân khu: A1, A2, A3, A4 và A5. Trong đó, diện tích rừng trên 2.500ha (chiếm 34,4%), chủ yếu là cây tràm và các loại thực bì dễ cháy.

Bên cạnh đó, VQG có chu vi rộng hơn 60km, nằm tiếp giáp 5 xã: Phú Đức, Phú Hiệp, Tân Công Sính, Phú Thành A, Phú Thọ và thị trấn Tràm Chim. Dân cư xung quanh vùng đệm VQG đông đúc với khoảng 60 ngàn người, trong đó hộ nghèo chiếm đến 29%. Đời sống dân cư còn khó khăn nên việc xâm nhập trái phép vào VQG để đánh bắt thủy sản, bắt ong hay chăn thả gia súc diễn ra thường xuyên và khó kiểm soát. Điều này cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến cháy rừng.

Năm 2018, mặc dù tăng cường các biện pháp PCCCR, nhưng VQG Tràm Chim vẫn xảy ra 2 vụ cháy rừng (tăng 1 vụ so với năm 2017) tại phân khu A5, thuộc địa bàn xã Phú Hiệp. Tuy nhiên, thiệt hại không đáng kể khi diện tích cháy chỉ khoảng 0,3433ha.

Đang là cao điểm nắng nóng và tình hình có thể kéo dài, diễn biến phức tạp, lượng nước bốc hơi cao, độ ẩm thấp cùng với những yếu tố khách quan từ con người, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng tại VQG Tràm Chim luôn ở mức cao. Do vậy, VQG đã nâng mức dự báo cháy rừng lên cấp độ III (cấp có nguy cơ cháy cao), đặc biệt đối với các khu A4 và A5.

“Theo chu kỳ hằng năm, thời tiết nắng nóng có thể kéo dài khoảng 3-4 tháng. Do đó, nguy cơ cháy rừng sẽ còn diễn biến theo hướng phức tạp trong thời gian dài. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải có những giải pháp chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy là hết sức cần thiết. Bởi, khi xảy ra cháy thì rất khó chữa và không thể lường trước được mức độ thiệt hại” – ông Nguyễn Thế Hanh – Phó Giám đốc VQG Tràm Chim cho hay.

Chủ động phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra cháy

Để chủ động PCCCR, ngay từ đầu năm 2019, VQG Tràm Chim đã triển khai những kế hoạch trọng tâm, trong đó chú trọng xây dựng các phương án PCCCR. Theo ông Nguyễn Thế Hanh – Phó Giám đốc VQG Tràm Chim, để chủ động PCCCR, đơn vị đã tổ chức củng cố Ban Chỉ huy PCCCR, 5 Tổ chuyên môn trực thuộc (tổ hậu cần, tổ tuyên truyền, tổ kỹ thuật, tổ an ninh – trật tự và tổ tổng hợp), 3 tổ chữa cháy và 6 đội PCCCR tại các xã, thị trấn trong vùng đệm VQG.

Song song đó, VQG Tràm Chim thực hiện tốt việc phân công cán bộ tổ chức trực PCCCR tại 21 trạm và 1 lều trại, 7 đài quan sát, đảm bảo trực 24/24 trong các tháng cao điểm mùa khô để phát hiện sớm khi xảy ra cháy; tăng cường nhân lực phục vụ công tác tuần tra bảo vệ và PCCCR. Sắp tới, VQG Tràm Chim sẽ tiếp nhận 60 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và bố trí tại các địa bàn trọng yếu. VQG cũng chủ động phối hợp các ngành công an, kiểm lâm, quân sự huyện và Ban chỉ huy PCCCR các xã trong vùng đệm tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, đảm bảo hạn chế việc xâm nhập trái phép và giảm nguy cơ gây cháy rừng...

Để làm tốt công tác PCCCR, VQG tiến hành nạo vét các tuyến kênh, ao khu vực vùng đệm để trữ nước đảm bảo phục vụ công tác dập lửa khi xảy ra cháy. Vườn cũng tổ chức đưa các máy chữa cháy, vòi, bình xịt và phân công lực lượng túc trực xuống các địa bàn trọng yếu nhằm chủ động PCCCR. Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), khi xảy ra cháy rừng, lực lượng chữa cháy tại chỗ (khoảng 80 người), máy móc của VQG có thể ứng phó và dập lửa, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Ngoài các giải pháp nhân lực, máy móc và thiết bị chuyên dùng, VQG Tràm Chim còn ứng dụng công nghệ thông tin để quan sát, quản lý địa bàn, hỗ trợ công tác PCCCR. Đến nay, vườn đã lắp đặt 8 camera quan sát, 1 flycam và 2 camera hành trình để tăng cường cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng và PCCCR.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng là do tác động từ con người thông qua việc xâm nhập trái phép vào rừng. Vì vậy, theo VQG Tràm Chim, ngoài việc chủ động PCCCR, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ, PCCCR cũng cần quan tâm thực hiện.

“VQG Tràm Chim sẻ tăng cường các giải pháp tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân vùng đệm thông qua việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và thủy sản; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ, PCCCR tại khu dân cư, trường học; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Hạt Kiểm lâm liên huyện (Tân Hồng – Tam Nông) tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền với các hình thức sinh động nhằm thay đổi nhận thức, tạo sự lan tỏa trong nhân dân về công tác PCCCR. Bởi, công tác PCCCR chỉ thực sự có hiệu quả khi mọi người dân đều coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình...” – ông Nguyễn Thế Hanh nói.

Lê Thanh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn