Ngành Công Thương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 08/01/2019 05:53:41

ĐTO - Khép lại năm 2018, 1 năm nhiều khó khăn về thiên tai, thị trường, song kinh tế Đồng Tháp vẫn có bước phát triển khá vững chắc, trong đó nổi bật là kim ngạch xuất khẩu có mức tăng ấn tượng, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 41% so với năm 2017. Nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Tháp đã quan tâm đầu tư thiết bị, công nghệ mới, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.


Năm 2018, việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu cá tra tương đối thuận lợi do nhu cầu tăng

Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng

Theo thống kê của Sở Công Thương, năm 2018, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, với giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt 9.598 tỷ đồng, tăng 7,79% so với cùng kỳ. Trong đó, vai trò nòng cốt đóng góp cho sự tăng trưởng là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế gạo (chiếm 97,36%/ tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, tăng 8,98% so với năm 2017), góp phần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, tài nguyên.

Cùng với sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt, năm 2018 đánh dấu mức tăng trưởng xuất khẩu khá ấn tượng. Với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 41% so với năm 2017. Hầu hết các mặt hàng đều tăng trưởng tốt, nổi bật là mặt hàng thủy sản, gạo và các sản phẩm ngành may, do các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống như Indonesia, Malaysia, Philippines tăng lượng dự trữ trong nước; việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu cá tra tương đối thuận lợi do nhu cầu tăng. Đến nay hàng hóa của tỉnh đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh cả năm ở mức 401 triệu USD, chủ yếu là nhập khẩu các nguyên vật liệu dùng cho sản xuất kinh doanh như: xăng dầu, nguyên phụ liệu dược, nguyên liệu may mặc và giày da, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.

Năm qua, các ngành, các cấp chủ động nắm bắt tình hình và nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm phát triển sản xuất nên hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh trong năm 2018 đều tăng. Mặt khác, các DN đã quan tâm đầu tư thiết bị, công nghệ mới và tạo ra nhiều sản phẩm mới với giá trị gia tăng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 58.800 tỷ đồng, tăng 10,97% so với cùng kỳ.

Thương mại dịch vụ tăng trưởng khá, năm 2018 tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt giá trị 85.400 tỷ đồng, tăng 11,67% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là các mặt hàng nông sản, đặc trưng của tỉnh tiếp tục được đưa vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tiếp tục hỗ trợ điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp

Năm 2019, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, bên cạnh thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với sản xuất trong nước và địa phương. Tuy nhiên, ngành Công Thương vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 1.250 triệu USD, tăng 4,11% so với ước thực hiện năm 2018; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 65.620 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2018; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 97.360 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để đạt được các chỉ tiêu đề ra, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác kết nối, tiêu thụ nông sản; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác cập nhật thông tin về thị trường trong và ngoài nước đến người dân, DN để các đơn vị chủ động hơn trong việc tổ chức sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các đơn vị và địa phương triển khai các giải pháp đẩy mạnh sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn phục vụ liên kết tiêu thụ và đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại trong và ngoài nước. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác kết nối, liên kết thị trường gắn với truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm chủ lực của tỉnh (trọng tâm là xây dựng 2 chuỗi liên kết gắn truy xuất nguồn gốc).

Bên cạnh triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản, việc đồng hành cùng DN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư sẽ đặc biệt được coi trọng. Theo Sở Công Thương, để thực hiện công tác này, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường đầu tư, ngân hàng nhằm hỗ trợ cho DN sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu theo tinh thần Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ; triển khai có hiệu quả nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của Trung ương và địa phương, tạo điều kiện để các DN đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường.

“Tỉnh cũng sẽ tranh thủ sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để cập nhật thông tin diễn biến thị trường thế giới, tận dụng các FTA mang lại, chủ động ứng phó với các rào cản về thương mại nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh sẽ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề xuất UBND tỉnh giải quyết các dự án chậm triển khai trong các cụm công nghiệp nhằm thúc đẩy DN lớn tham gia đầu tư vào các cụm công nghiệp; di dời các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao ra khỏi khu dân cư, đô thị; tập trung phối hợp đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về an toàn, môi trường công nghiệp...” – ông Dũng thông tin.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn