Nhà vườn chủ động nhiều biện pháp ứng phó với lũ, bảo vệ sản xuất

Cập nhật ngày: 07/10/2019 08:56:50

ĐTO - Hiện nay, đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao đang diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa đến một số diện tích trồng cây ăn trái các huyện phía Nam của tỉnh. Nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp, ngành chức năng, nhà vườn các địa phương tích cực chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với lũ, sẵn sàng phương án bảo vệ vườn cây ăn trái.


Nông dân bơm nước để bảo vệ vườn cây ăn trái

Ghi nhận tại khu vực ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung nhiều diện tích vườn cây ăn trái của người dân đang bị “uy hiếp” sau đợt nước lũ dâng cao vào rằm tháng 8 vừa qua. Trước sức ép từ con nước, nhiều nhà vườn tại huyện Lai Vung tích cực gia cố lại các bờ bao, đập dã chiến sẵn sàng ứng phó với đợt nước lũ sắp tới. Ông Nguyễn Văn Năm ở xã Long Hậu cho biết: “Các đợt lũ lớn năm 2010 - 2011 làm vườn cây ăn trái của gia đình tôi bị thiệt hại nặng. Vì vậy, mấy năm nay, khi thấy con nước chuẩn bị mấp mé bờ, tôi chủ động mua ni-long để gia cố lại bờ bao quanh vườn và sử dụng máy bơm để tiêu thoát nước cho vườn cây”.

Những ngày đầu tháng 9, được sự hỗ trợ của huyện, các xã Tân Phước, Long Hậu thực hiện nâng cấp các đoạn đập dã chiến để bảo vệ vườn cây ăn trái. Do là khả năng chịu ngập nước kém, chỉ cần cây ngập 1 ngày đêm cây sẽ bị chết. Từ kinh nghiệm đó, hàng năm, mỗi khi lũ về là nông dân các địa phương này lại tập trung gia cố đê bao, chuẩn bị sẵn sàng máy móc bơm rút nước, không để lũ tràn vào vườn.

Cùng nỗi lo trên, ông Nguyễn Văn Sữa ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu cho biết: “Mấy năm trước, nước ít nên nông dân không lo ngập vườn. Tuy nhiên, những ngày qua nước lên khá cao và đổ về nhanh nên tôi phải trực bảo vệ. Gia đình tôi có 5 công quýt đường đang cho trái, bình quân thu nhập cũng hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Do vậy, cả nhà tôi phải túc trực ngoài vườn để canh nước, không để xảy ra tình trạng ngập úng”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lai Vung, đến nay tất cả diện tích vườn cây ăn trái của huyện đều nằm trong các khu đê bao khép kín. Bên cạnh đó, nhằm chủ động đảm bảo cho nông dân yên tâm sản xuất, huyện chủ động gia cố và nạo vét 7 công trình thủy lợi và duy tu sửa chữa 6 cống...

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung cho biết: “Rút kinh nghiệm từ mực nước lũ các năm trước, ngay từ đầu năm 2019, huyện chủ động kiểm tra, duy tu, sửa chữa các hệ thống đê bao, cống... Trong mùa mưa bão, tình hình thủy văn sẽ diễn biến phức tạp, vì vậy huyện tiếp tục kiểm tra các đoạn đê bao xung yếu nhằm đảm bảo an toàn giúp nông dân an tâm sản xuất”.

Châu Thành cũng là huyện có diện tích cây ăn trái khá lớn của tỉnh. Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, từ ngày 25/9 - 2/10/2019, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều trường hợp nước lũ tràn bờ và bể bờ bao tại các xã: An Hiệp, Tân Nhuận Đông, Phú Hựu, Hòa Tân. Sau sự cố, các ngành hữu quan và địa phương tổ chức khắc phục.

Bà Trương Thị Xuân Ngân - Phó NN&PTNT huyện Châu Thành cho hay: “Thời gian tới, huyện sẽ tập trung kiểm tra, gia cố các đoạn đê bao xung yếu. Các xã, thị trấn phân công cán bộ túc trực 24/24 giờ, vận động người dân tích cực tham gia trên tinh thần sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn