Thuận Tân Hội quán

Nơi người dân kết nối từ sự thấu hiểu và sẻ chia

Cập nhật ngày: 25/01/2020 05:56:26

ĐTO - Như lời của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan - người khởi xướng mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh và là người lãnh đạo tâm huyết với mô hình, chia sẻ: “Cuộc sống bao giờ cũng có tính hai mặt. Đừng chỉ nhìn vào cái chưa được để phán xét, để mà suy diễn. Hãy nhìn những buổi sinh hoạt Hội quán để cảm nhận được điều mới mẻ trong cộng đồng dân cư và trong từng người dân!”.

Thật vậy, trong một lần tình cờ tham gia sinh hoạt với bà con Thuận Tân Hội quán (ấp Tân Văn, xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh), tôi cảm nhận sâu sắc về điều này, đó là sự đồng lòng, thấu hiểu, chia sẻ giữa bà con và chính quyền với nhau, không có sự cả nể, e dè mà chỉ như người trong một nhà...


Các loại bánh được chế biến tại phiên chợ quê vào sáng thứ 7 hàng tuần của Thuận Tân Hội quán

Nghe nhau nói, nói nhau nghe

Trong thời tiết se lạnh của những ngày cuối năm, trong không gian sinh hoạt của Thuận Tân Hội quán, sau những lời chào hỏi, những cái bắt tay là bắt đầu vào câu chuyện sinh hoạt. Chủ nhiệm Hội quán nhắc nhở các thành viên bảo ban người nhà về ý thức giữ gìn trật tự, an ninh trong những ngày giáp Tết... Thật lạ, dù không có một quy định hay sự ràng buộc nào, thế nhưng mọi người đều ngầm hiểu và thống nhất làm theo...

Được thành lập từ ngày 19/4/2017, đến nay, Thuận Tân Hội quán có 65 thành viên (ban đầu là 52 thành viên). Chú Hai Tánh (chú Lê Phước Tánh) - Phó Chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán nói với tôi: “Đây là hoạt động định kỳ vào ngày 5 hàng tháng, Hội quán đều tổ chức họp thành viên để cùng bàn về chuyện làng, chuyện xóm, chuyện sản xuất, phát triển du lịch địa phương... Mỗi chủ đề trong tháng đều được xây dựng cụ thể ngay từ đầu năm. Đặc biệt, hầu như các buổi sinh hoạt đều có sự tham gia của chính quyền địa phương nên các chủ trương, chính sách đều được triển khai đầy đủ đến người dân trong không gian Hội quán này”.

“Gần như 70% các cuộc hội họp của xã đều được sinh hoạt ở Hội quán. Thậm chí, khi người dân trồng xoài có nhu cầu mời các nhà khoa học, kỹ sư về hướng dẫn chăm sóc vườn xoài, Hội quán cũng chủ động kết nối mời và tổ chức, không cần qua trung gian nào khác. Đây là điều mà người dân rất hài lòng, bởi từ đây chính quyền, người dân, nhà khoa học thêm gần gũi, hiểu nhau hơn”, chú Hai Tánh nói thêm.

Chị Lê Thị Mai Trinh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Tây cho biết, đa phần thành viên Ban chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán đều là những chú lớn tuổi và có uy tín tại địa phương nên khi truyền đạt thông tin, kiến thức, bà con rất tin tưởng nghe theo. Thậm chí, có những hoạt động địa phương chỉ đứng ở vai trò hỗ trợ, riêng Ban chủ nhiệm Hội quán năng động, trực tiếp hướng dẫn, điều hành, đôn đốc bà con thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nên chúng tôi rất yên tâm. Chẳng hạn như, đối với chủ trương liên kết sản xuất, Hội quán tích cực triển khai và nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của bà con, đến nay, xã đã tổ chức trồng xoài theo hướng hữu cơ liên kết với doanh nghiệp có đầu ra ổn định và cũng đã hình thành được tổ làm xoài bonsai phục vụ người dân.


Du khách trải nghiệm hoạt động dỡ chà mùng tại Hội quán

Cả làng cùng nhau làm du lịch

Cùng với ý thức người dân dần thay đổi trong sản xuất, điều mà địa phương và Ban chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán khá tâm đắc hiện nay là đã gắn kết được bà con nông dân lại với nhau, cùng xây dựng xóm làng qua mô hình du lịch cộng đồng. Không giống như bất kỳ một mô hình nào trong tỉnh cũng như đồng bằng sông Cửu Long, Tân Thuận Tây làm du lịch theo cách riêng, đó là dựa vào những hoạt động sinh sống hằng ngày của bà con như dỡ chà, câu cá, giăng lưới cá cơm, mở phiên chợ quê hàng tuần... để làm du lịch. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm những hoạt động y hệt như công việc thường ngày của nông dân Tân Thuận Tây. Điều này, vừa giúp du khách được trải nghiệm những hoạt động của làng quê, vừa giữ được nét văn hóa truyền thống, đặc biệt giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập.

Anh Nguyễn Phước Minh - thành viên Thuận Tân Hội quán và cũng là người tham gia làm dịch vụ dỡ chà mùng tại Hội quán cho hay, nghề dỡ chà đã theo anh hơn 20 năm nay nên khi dùng chính công việc mưu sinh hằng ngày để làm du lịch thì cũng không có điều gì là quá khó với anh và gia đình. Tuy nhiên, tham gia làm du lịch thì phải tuân thủ “quy chế” do Hội quán đặt ra và phải thực hiện một cách bài bản để làm hài lòng du khách. Hiện với 3 đống chà chất trên sông, xoay vòng mỗi tháng dỡ 1 lần/đống chà, phục vụ theo hình thức khoáng 1,8 triệu đồng/đống chà, tính ra thu nhập tăng và ổn định hơn so với trước đây. “Thu nhập tăng lên là một chuyện, nhưng cái vui hơn của mình là kết nối bà con lại với nhau cùng làm, xóm giềng cũng vui vì khách du lịch đến thăm ngày một đông...”, anh Minh nói.

Cũng là thành viên mạnh dạn tham gia cùng Thuận Tân Hội quán phát triển du lịch, anh Liêu Văn Cang chia sẻ: “Lúc đầu khi Hội quán vận động tham gia khâu ẩm thực, tôi cũng khá e dè. Tuy nhiên, khi được hướng dẫn cụ thể và thấy được tâm huyết của các anh ở địa phương nên tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng tổ ẩm thực để phục vụ du khách. Nhiệm vụ của tổ là khi khách du lịch trải nghiệm hoạt động dỡ chà mùng thì tổ sẽ chịu trách nhiệm hoàn thiện khâu bảo quản cá và nấu nướng phục vụ du khách... Qua hơn 4 tháng đi vào hoạt động, tổ đã thu hút được gần 1.000 lượt khách đến thưởng thức. Đặc biệt, tổ thường nhận được sự phản hồi hài lòng và khen ngợi của du khách nên đây cũng là động lực cho chúng tôi cố gắng nhiều hơn”.

Hiện tại, thấy hiệu quả từ việc làm du lịch của Thuận Tân Hội quán, một vài hộ trong xóm cũng tham gia chỉnh trang lại nhà cửa, trồng thêm nhiều giống cây kiểng mới và xây dựng các mô hình tương tự để phục vụ du khách. Đây là động lực rất lớn để các thành viên Thuận Tân Hội quán tiếp tục xây dựng, nhân rộng và tạo sự lan tỏa để bà con cùng làm du lịch, cùng có thu nhập ổn định. Tuy vậy, Ban chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán quan niệm không phát triển nóng vội mà cứ làm từ từ, chất lượng và có sự quản lý điều hành tốt của Hội quán, tránh tình trạng phát triển theo phong trào, rập khuôn. “Trong định hướng tương lai, Hội quán sẽ phát triển các dịch vụ mới như xây thêm một bãi dẹm, chất thêm vài đống chà cho khách trải nghiệm. Ngoài ra, hình thành một bãi tắm gần đó để tạo thêm nét mới thu hút du khách đến Tân Thuận Tây... Hy vọng với những định hướng này, sắp tới, Thuận Tân Hội quán sẽ là một điểm đến hấp dẫn để níu chân du khách khi đến với Tân Thuận Tây, với vùng Đất Sen hồng...” - chú Hai Tánh tâm sự.

Từ mô hình “Canh Tân Hội quán” đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập vào ngày 3/7/2016, đến nay toàn tỉnh đã phát triển thêm 84 Hội quán ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, với 4.775 thành viên.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, mô hình Hội quán ra đời với mong muốn thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất và tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trên thị trường trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, xây dựng được chuỗi ngành hàng và tạo niềm tin cho người nông dân trong sản xuất, kinh doanh, huy động người nông dân cùng xây - cùng quản - cùng hưởng với cấp ủy, chính quyền địa phương. Cũng theo Bí thư, Hội quán cũng chính là cách để người nông dân cùng chung tay phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao ý thức người dân trong gìn giữ đường làng, ngõ xóm. Đây chính là cách chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp của người nông dân.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn