Ông giáo xứ cù lao làm giàu với cá thác lác rút xương

Cập nhật ngày: 18/02/2019 14:39:15

ĐTO - Khởi nghiệp với cá thác lác rút xương đã đem đến sự thành công cho anh Nguyễn Hữu Tuấn - chủ cơ sở sản xuất cá thác lác Tuấn Cường, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự.


 Anh Nguyễn Hữu Tuấn bên sản phẩm cá thác lác rút xương

Từ chỗ phải “đứng ngồi không yên” khi ao cá thác lác tới ngày thu hoạch nhưng thương lái cứ ngó lơ, hiện nay, với cách chế biến sản phẩm cá thác lác rút xương đã giúp anh Tuấn chủ động đầu ra cho việc chăn nuôi của gia đình. Đặc biệt, chuyện khởi nghiệp của anh Tuấn còn góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho nhiều hộ nuôi cá thác lác ở địa phương.

Trung bình mỗi tháng, cơ sở của gia đình anh Tuấn cung cấp cho thị trường gần 10 tấn cá thác lác chế biến. Ngoài sản phẩm cá thác lát rút xương truyền thống, cơ sở cá thác lác Tuấn Cường còn cung cấp cho thị trường nhiều dòng sản phẩm khác như: cá thác lác rút xương tẩm gia vị, chả cá thác lác tươi, chả cá thác lác hấp... Sau khi khấu trừ các khoản chi phí đầu tư, mỗi tháng gia đình anh Tuấn có thu nhập hơn 60 triệu đồng.

Hiện có nhiều dòng sản phẩm cung cấp cho thị trường, song cá thác lác rút xương của cơ sở Tuấn Cường vẫn là sản phẩm hấp dẫn, được thị trường đánh giá cao và ưa chuộng. Mặc dù đã qua chế biến, song cá thác lác rút xương vẫn giữ được hương vị tự nhiên của cá thác lác tươi sống.

Nhờ được đóng gói cẩn thận trong bao bì nên sản phẩm có thể sử dụng tốt trong vòng 12 tháng khi được bảo quản trong ngăn đông. Với tính tiện dụng và hương vị độc đáo của sản phẩm nên hiện nay ngoài các chợ truyền thống, sản phẩm các thác lác rút xương còn có mặt ở các nhà hàng, khách sạn tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp gian nan của chồng ở buổi đầu, chị Phạm Lan Khai - vợ anh Tuấn chia sẻ, hành trình để tìm ra công thức làm ra sản phẩm cá thác lát rút xương của anh Tuấn không dễ dàng. Mấy tháng ròng, anh Tuấn ban ngày thì đi dạy ở trường học, đêm xuống thì hì hục dưới nhà bếp đến gần sáng để chế biến cá thác lác rút xương. Thất bại mẻ cá này, anh lại cặm cụi làm mẻ khác, mỗi lần hoàn thành được sản phẩm, anh lại mang cho bà con chòm xóm dùng thử để rút kinh nghiệm. Làm đi làm lại đến nổi, mỗi lần anh Tuấn mang thành phẩm đi cho, bà con lại nói “cá thác lát nữa hả”... Sau nhiều tháng thất bại, cuối cùng thành công cũng mỉm cười với anh Tuấn.


Cơ sở sản xuất cá thác lác Tuấn Cường giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động của địa phương

Chia sẻ về bài học đắt giá của mình khi khởi nghiệp, anh Nguyễn Hữu Tuấn trần tình: “Là một giáo viên không có kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến hay tiếp thị... tất cả tôi đều bắt đầu từ con số không. Nhưng lúc đó trong suy nghĩ của mình, tôi không bao giờ cho phép mình nghĩ đến hai chữ “bỏ cuộc”. Ba tháng hè là khoảng thời gian tôi toàn tâm toàn ý đầu tư cho con đường khởi nghiệp của mình”. Từ Hồng Ngự qua Tân Châu, An Giang rồi huyện Tân Hồng, Tam Nông, trên chiếc xe máy của mình anh đến gõ cửa từng quán ăn, nhà hàng để tiếp thị sản phẩm. Trả lời anh là những cái lắc đầu, quay lưng nhưng anh vẫn quyết không bỏ cuộc. Anh Tuấn nghĩ, kiên trì trước khó khăn, thử thách chính là yếu tố cần thiết để một người khởi nghiệp có được thành công.

Với quyết tâm và tinh thần không ngại khó, thành công đã thật sự mỉm cười với anh Tuấn. Nhờ nghĩ đến con đường chế biến mà gia đình anh đã không còn bị ám ảnh bởi điệp khúc “được mùa mất giá”. Và chính sự đột phá của anh đã tiếp thêm động lực cho nhiều nông dân để họ cái nhìn khác hơn về nông sản do mình làm ra.

Cuối năm 2018 vừa qua, sản phẩm cá thác lát rút xương của Cơ sở sản xuất cá thát lát Tuấn Cường được vinh danh là Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp và cấp khu vực.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn