Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cập nhật ngày: 13/01/2021 10:11:20

ĐTO - Thời gian qua, nhằm cụ thể nội dung thực hiện Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) giai đoạn 2013 - 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 – 2020.


Canh tác lúa tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2

Lấy phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) để tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh thành lập Trung tâm Ứng dụng NNCNC tỉnh Đồng Tháp. Trung tâm thực hiện các chức năng chính là nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm công nghệ mới trong chọn tạo và sản xuất giống cây trồng mới; cung ứng giống cây trồng, hoa kiểng. Đồng thời hợp tác nghiên cứu ứng dụng và tiếp nhận các đề tài, dự án, các chương trình khoa học công nghệ (KHCN) với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên quan đến việc phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh...

Theo bà Lê Thị Kiều Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng NNCNC, thời gian qua, Trung tâm ứng dụng công nghệ cao vào tư vấn, chuyển giao cho các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng phục vụ nhu cầu thị trường. Riêng đối với ngành hàng hoa kiểng, Trung tâm cung ứng các giống hoa kiểng cấy mô cho người dân. Ngoài ra, giúp nông dân Làng hoa làm chủ một số quy trình nhân giống, kỹ thuật trồng một số loại hoa chủ lực nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành hàng hoa kiểng gắn với phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Trong giai đoạn 2013 - 2020, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện Quy định một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh. Trên tinh thần đó, tỉnh thực hiện xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiểu chuẩn ISO, HACCP, IFS, IEC, BRC, VietGAP; kiểm toán năng lượng; chuyển giao công nghệ; đăng ký mã số mã vạch; đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa... Tổng kinh phí hỗ trợ là 3,6 tỷ đồng.

Từ những chính sách hỗ trợ của tỉnh, góp phần tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức triển khai nghiên cứu và ứng dụng thành tựu KHCN. Anh Ngô Hùng Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tháp Technology TT&P (huyện Lấp Vò) sáng chế thiết bị tưới thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo - THASMART IoT 4.0 chia sẻ: “Để sản phẩm có thể ra mắt thị trường, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách nghiên cứu khoa học, hoạt động sáng tạo không chuyên của tỉnh. Điều này, giúp tôi có thêm động lực để hoàn thiện sản phẩm thiết bị tưới thông minh giúp bà con nông dân thuận lợi trong sản xuất”.

Để thực hiện kế hoạch Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 – 2020 đạt kết quả cao, tỉnh quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng KHCN. Trong giai đoạn 2013 – 2020, tỉnh triển khai đầu tư Trung tâm Ứng dụng NNCNC với tổng kinh phí trên 12,1 tỷ đồng. Tỉnh còn bố trí vốn ngân sách để đầu tư 5 công trình nhà màng và hệ thống tưới tự động với diện tích 52,8ha; thực hiện Dự án Xây dựng hạ tầng nông nghiệp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười với tổng diện tích khu vực dự án là 170ha đất sản xuất, với tổng mức đầu tư gần 26 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2013 - 2020, các chủng loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp được sử dụng thuộc danh mục Bộ NN&PTNT ban hành. Chủ yếu vẫn là các giống địa phương và các giống ngoại nhập được thuần hóa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh. Đồng Tháp chưa có giống mới được đưa vào danh mục giống lưu hành tại Việt Nam.

Trong giai đoạn này, tỉnh triển khai thực hiện 2 nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao cấp Quốc gia và thực hiện 23 nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao cấp tỉnh. Các kết quả nghiên cứu phần lớn tập trung vào áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu chuỗi giá trị của một số sản phẩm chủ lực, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, cải tiến quy trình kỹ thuật và biện pháp canh tác. Qua đó, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, hướng đến sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn, chất lượng cao và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn khi thực hiện chương trình. Mặc dù UBND tỉnh đã có chủ trương quy hoạch các khu, vùng NNCNC của tỉnh để tiến hành xây dựng Đề án và lập thủ tục để được công nhận nhưng việc thành lập Khu NNCNC tại tỉnh khó khả thi. Nguyên nhân do điều kiện về sản xuất còn phân tán, không đảm bảo về diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 3246 về Phê duyệt Chiến lược phát triển KHCN ngành NN&PTNT giai đoạn 2013 - 2020. Tuy nhiên, do chưa có nguồn kinh phí nên việc triển khai thực hiện còn lồng ghép dẫn đến hiệu quả triển khai chương trình chưa cao. Việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp của ngành nông nghiệp còn trùng lắp với ngành KH&CN.

Từ thực tế trên, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ NN&PTNT kéo dài thời gian thực hiện chương trình. Đồng thời xây dựng nguồn kinh phí và đơn vị chủ quản cụ thể để hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình này.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn