Thay đổi tư duy sản xuất để làm giàu từ nông nghiệp
Cập nhật ngày: 27/02/2020 09:20:55
Kỳ 1: Tránh “bình mới rượu cũ” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Những năm gần đây, khi giá lúa xuất khẩu liên tục giảm mạnh khiến cho nhiều nông dân ở Đồng Tháp tìm đến những mô hình kinh tế mới thay thế cho cây lúa. Trong nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thì mô hình lên liếp trồng cây ăn trái được nhiều nông dân xứ Sen hồng lựa chọn. Song, dù đã chuyển sang mô hình sản xuất mới nhưng về tư duy làm nông nghiệp thì nhiều nông dân vẫn còn làm theo lối cũ...
Nhiều loại cây ăn trái được nông dân huyện Tháp Mười chuyển đổi trong sản xuất những năm gần đây
Giấc mơ đổi đời từ lên liếp trồng cây ăn trái
Huyện Tháp Mười là một trong những địa phương có diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, cây lúa trở thành cây trồng chủ lực của người dân nơi đây. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi giá lúa bấp bênh nông dân trồng lúa gặp khó khăn, nhiều nông dân manh nha chuyển sang trồng những loại cây trồng khác.
Bao đời gắn bó với cây lúa nhưng cuối vụ lúa thu đông năm 2019 vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1952) ngụ ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười quyết tâm “dứt tình” với cây lúa. Nói về quyết định của mình, bà Huệ tâm sự: “Gần cả cuộc đời gắn bó, cây lúa đã giúp gia đình tôi khấm khá, sấp nhỏ được học hành tới nơi tới chốn. Nhưng mấy năm gần đây, giá lúa bấp bênh, có những vụ mùa làm xong tổng kết chi phí lại mới biết không lời mà còn lỗ vài triệu đồng. Thời gian gần đây, nhiều nông dân quê tôi bắt đầu lên liếp trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế khả quan hơn rất nhiều nên tôi làm liều chuyển đổi 1ha đất lúa sang trồng cây ăn trái, hy vọng kinh tế từ mô hình mới sẽ khả quan hơn”.
Sau hơn 6 tháng “chia tay” cây lúa để chuyển sang trồng mận, nhãn, măng tây..., hiện gia đình bà Huệ vẫn chưa thể thu huê lợi từ mô hình sản xuất mới. Vấn đề khiến bà Huệ lo lắng nhất chính là liệu những năm sắp tới vào mùa nước, vườn cây của bà có chống chọi nổi khi tứ phía đều là ruộng lúa... 6 tháng qua, bà Huệ đã bỏ qua 2 mùa lúa, hiện gia đình không có thu nhập nào khác, hàng tháng, bà Huệ còn phải lo thêm chi phí đầu tư cho mảnh vườn mới lên.
Cũng giống như bà Huệ, gia đình bà Hồ Thị Hoàng Sa ngụ xã Mỹ An, huyện Tháp Mười chuyển đổi sang trồng mít Thái từ 2 năm trước. Hiện vườn mít của gia đình bắt đầu cho thu hoạch từ nửa năm trở lại đây. Theo tính toán của bà Sa, chỉ trong vòng 6 tháng qua, diện tích hơn 2.000m2 canh tác mít của gia đình bà cho doanh thu khoảng 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây. Nhận thấy cây mít cho hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2019, gia đình bà Sa tiếp tục lên liếp 2 công đất lúa để trồng mít.
Tuy nhiên, bà Sa tâm sự: “Sau Tết Nguyên đán Canh Tý, mít chỉ còn 5 ngàn đồng/kg mà vẫn không bán được. Mít Thái chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng do tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 ở Trung Quốc nên người trồng mít điêu đứng. Giờ thị trường cũng khá hơn rồi nhưng tôi cũng rất lo lắng, không biết tới đây giá mít ổn định được bao lâu vì hiện tại người ta trồng mít Thái rất nhiều”.
Mặc dù chỉ mới phát triển cây ăn trái thời gian gần đây, song theo thống kê mới nhất của UBND huyện Tháp Mười, hiện địa phương có hơn 2.500ha sản xuất cây ăn trái, trong đó có gần 1.600ha cây ăn trái được chuyển đổi từ đất trồng lúa. Trong nhiều giống cây trồng thì mít là loại cây ăn trái được nông dân huyện Tháp Mười chuyển đổi mạnh nhất. Hiện tại, toàn huyện có gần 1.300ha mít, được trồng phổ biến ở các xã: Đốc Binh Kiều, Phú Điền, Thanh Mỹ, Mỹ An... Cũng như nhiều địa phương khác, phần lớn sản lượng cây ăn trái của huyện Tháp Mười hiện chỉ xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc, tiêu thụ một phần ở thị trường nội địa và gần như chưa có nhiều sản phẩm chế biến.
Chia sẻ về định hướng phát triển cây ăn trái của địa phương, ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười bày tỏ, việc chuyển đổi mô hình kinh tế hiệu quả trên diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả là chủ trương của tỉnh cũng như huyện Tháp Mười. Những năm qua, địa phương cũng có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên những khu vực phù hợp, nhằm giúp người dân tăng thu nhập và lợi nhuận. Tuy nhiên, huyện chỉ có chủ trương ưu tiên chuyển đổi ở những khu vực có địa hình, thổ nhưỡng phù hợp với sản xuất cây ăn trái.
Định hướng dài hơi hơn, địa phương cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tăng cường đầu tư chế biến nông sản tại chỗ thông qua các chương trình như: chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn thông qua chương trình khuyến công, đồng thời tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư về lĩnh vực chế biến nông sản.
Hiện tại, ngoài huyện Tháp Mười, nhiều huyện, thị khác như: Cao Lãnh, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình, nông dân trồng lúa cũng đang chuyển đổi sang trồng cây ăn trái rất mạnh. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 29.220ha sản xuất cây ăn trái, trong đó diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái là trên 486ha. Tuy nhiên, phần lớn những diện tích chuyển đổi này chỉ dừng lại là chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản xuất nông nghiệp thuần túy mà chưa quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế nông nghiệp.
Sản xuất theo quy trình an toàn giúp trái cây của Hợp tác xã Nông sản sạch Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) tìm được kênh tiêu thụ ổn định
Thay đổi cây trồng không bằng thay đổi tư duy người trồng
Để phát triển bền vững thì việc thay đổi cây trồng vẫn chưa đủ. Vấn đề là phải làm như thế nào để thay đổi tư duy nhận thức của người nông dân để bà con hiểu hơn về kinh tế nông nghiệp và tin tưởng chuyện làm giàu từ nông nghiệp là hoàn toàn có thể và chủ động.
Chia sẻ về xu hướng chuyển đổi trồng cây ăn trái trên đất lúa hiện nay, Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - Giám đốc Công ty CP Sản xuất kinh doanh An Điền, TP.Cao Lãnh cho rằng: “Để tránh tình trạng bị động trong sản xuất và thị trường tiêu thụ thì bản thân người nông dân phải tự thay đổi tư duy làm nông nghiệp của mình. Bởi vì, từng loại cây trồng có những đặc tính sinh lý khác nhau. Để phát huy hiệu quả kinh tế tối đa nhất, người nông dân cần phải có kiến thức và am hiểu về đặc tính từng loại cây, đất trồng cũng như có những nghiên cứu về thị trường”.
Để thoát khỏi “điệp khúc trồng chặt”, thời gian qua, một số nông dân ở Đồng Tháp có những cách làm hay như: xuất khẩu nông sản tại chỗ thông qua mô hình du lịch nông nghiệp hay mô hình rủ nhau sản xuất nông sản sạch với diện tích lớn và cung cấp cho hệ thống các siêu thị... Những mô hình này bước đầu giúp nông dân chủ động được đầu ra cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế tối đa trên cùng một diện tích sản xuất.
Bước đầu thành công với mô hình du lịch nông nghiệp - anh Võ Dương Khương - chủ điểm tham quan vườn trái cây, ẩm thực Minh Phát ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh tâm sự: “So với làm vườn thuần túy thì việc phát triển mô hình du lịch song song là giải pháp “nhất tiễn song điêu” giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế tối đa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Từ ngày làm thêm mô hình du lịch, sản phẩm măng cụt của gia đình tôi không chỉ bán cho thương lái mà còn được bán cho khách du lịch.
Tại huyện Lai Vung, cách đây khoảng 5 năm, ông Tống Văn Phong - Giám đốc hợp tác xã (HTX) nông sản sạch Vĩnh Thới, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung không dám nghĩ sẽ có ngày ông trở thành đối tác cung cấp sản phẩm trái cây tươi cho Tập đoàn Vingroup. Hiện tại, trung bình mỗi năm, HTX nông sản sạch Vĩnh Thới cung cấp khoảng 800 - 900 tấn trái cây các loại/năm cho hệ thống siêu thị Vinmart. Các mặt hàng trái cây chủ yếu được bán tại siêu thị là những nông sản thế mạnh và chủ lực của huyện như: quýt đường, cam xoàn, mận, vú sữa...
Ông Phong nhớ lại: “Sau chuyến đi học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở Thái Lan cùng đoàn công tác ở tỉnh về, tôi cảm thấy rất chạnh lòng. Bởi Thái Lan cũng có cùng điều kiện tự nhiên như Việt Nam nhưng nền nông nghiệp của họ tiến bộ hơn rất nhiều. Điều tôi nể phục nhất chính là nhận thức và tư duy về sản xuất của nông dân Thái Lan, họ tự giác liên kết, tự giác sản xuất nông sản sạch và rất có tinh thần tập thể”. Sau chuyến đi này, ông Phong rủ những anh em trồng quýt đường ở địa phương liên kết lại sản xuất theo chuẩn GlobalGAP. Năm 2013, Tổ hợp tác quýt đường xã Vĩnh Thới (tiền thân của HTX Nông sản sạch) chính thức được cấp chứng nhận đạt chuẩn nhưng sau đó quýt đường GlobalGAP của THT hầu như chỉ bán đồng giá với quýt thường. “Mãi đến năm 2016, sản phẩm quýt đường của chúng tôi mới được bày bán ở siêu thị Vinmart. Nếu khi đó, tôi và anh em không đủ kiên nhẫn thì có lẽ đã bỏ cuộc giữa chừng” - ông Phong cho biết thêm.
Nếu chuyển đổi sang canh tác loại cây trồng khác là nhu cầu tất yếu thì nông dân cần sẵn sàng mọi “hành trang” cho một cuộc đột phá mới. Có như thế thì mới hạn chế đối mặt với nguy cơ “rủi may” hay chuyện “bình mới nhưng rượu vẫn cũ”.
MỸ LÝ