Tháp Mười

Tổ chức sản xuất lại các ngành hàng

Cập nhật ngày: 26/10/2017 09:14:20

ĐTO - Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Tháp Mười tiếp tục tổ chức sản xuất các ngành hàng chủ lực, nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác, đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất.


Tháp Mười đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ

Theo UBND huyện Tháp Mười, thời gian qua, địa phương tập trung nâng cao chất lượng các loại hình kinh tế hợp tác, hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012 nhằm từng bước chủ động trong thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ. Ngoài ra, huyện đang phối hợp với Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II xây dựng phương án thành lập 2 Hợp tác xã kiểu mới tại xã Phú Điền và Mỹ An, từ đó nhân rộng ra toàn huyện.

Đối với các ngành hàng thế mạnh của địa phương, huyện đang có những bước phát triển nhất định. Trong đó, điểm nổi bật của ngành hàng lúa gạo chính là việc nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm giá thành và tăng thu nhập.

Mô hình liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp ngày càng bền chặt hơn. Kết quả 9 tháng đầu năm, mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ của huyện đạt trên 18 ngàn ha, đạt 182% so với kế hoạch, tăng 9.500ha so với cùng kỳ.

Ngoài ra, việc triển khai nhân rộng mô hình giảm giá thành trong sản xuất được nông dân hưởng ứng tích cực. Tổng diện tích được nông dân áp dụng theo mô hình gần 66 ngàn ha, chiếm trên 86% tổng diện tích gieo sạ.

Đối với ngành hàng vịt, huyện Tháp Mười đang có những bước phát triển nhất định với mô hình nuôi vịt trong rọ. Với sự quyết tâm ngay từ đầu của địa phương cùng sự hỗ trợ của các ngành hữu quan tỉnh, đến nay, huyện Tháp Mười đã thành lập 3 tổ hợp tác (THT) nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học với tổng đàn là 48.600 con. Đặc biệt là các THT đều có gắn liên kết đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra với doanh nghiệp.

Hiện nay, toàn huyện có 4 THT nuôi ếch đang hoạt động. Riêng THT nuôi ếch xã Đốc Binh Kiều đã được cấp chứng nhận VietGAP và được Metro Cash Cần Thơ tiêu thụ với sản lượng 1,6 tấn, giá cao hơn thị trường 7.000-8.000 đồng/kg. Ngoài ra, điểm nổi bật của ngành hàng này chính là Công ty TNHH thực phẩm sạch Bảy Nữa (xã Phú Điền) đã đầu tư dây chuyền chế biến các sản phẩm như khô ếch, thịt chà bông ếch. Sản phẩm bước đầu được thị trường đón nhận.

Ngành hàng cá sặc rằn trên địa bàn huyện hiện có 134 hộ nuôi với diện tích 150ha, tăng 47ha so với năm 2016. Trong đó, THT cá sặc rằn xã Láng Biển có 15 hộ đã đăng ký nuôi theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, thời gian qua, người nuôi cá sặc rằn phải chịu thua lỗ bởi giá cá giảm mạnh. Nguyên nhân được địa phương nhận định là do cung vượt cầu, nguồn nước bị ô nhiễm khiến chi phí sản xuất tăng cao, con giống chưa đạt chất lượng.

Định hướng phát triển ngành hàng trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung quy hoạch vùng nuôi lúa – cá kết hợp theo hướng VietGAP và đảm bảo việc cấp, thoát nước riêng biệt không gây ô nhiễm, lây lan dịch bệnh. Song song đó, huyện tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sản xuất, nhà máy sơ chế trong vùng nguyên liệu; từng bước tuyên truyền, vận động người nuôi sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ.

Sở hữu diện tích canh tác lớn gần 300ha, ngành hàng sen của địa phương đang sở hữu nhiều tiềm năng rất lớn. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp hướng đến khai thác giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất của bà con chỉ mang tính tự phát, chưa có liên kết với sản phẩm đầu ra, dẫn đến khâu tiêu thụ nông sản chưa ổn định...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn