Tổ hợp tác hoa kiểng An Bình

Ứng dụng thương mại điện tử, tạo thêm lợi nhuận cho cây sứ

Cập nhật ngày: 02/03/2019 05:58:00

ĐTO - Không chỉ tập hợp những hộ cùng sản xuất vào mô hình kinh tế hợp tác, thời gian gần đây, một số hộ dân tham gia Tổ hợp tác (THT) hoa kiểng An Bình (xã Định Yên, huyện Lấp Vò) còn có cách làm mới khá hay, đó là tạo kênh youtube bán hàng qua mạng, cách làm này vừa giúp nông dân tiêu thụ vừa nâng cao giá trị cho sản phẩm.


Vườn sứ củ 6.000m
2 của anh Trần Thanh Sơn

Anh Trần Thanh Sơn - Tổ phó THT hoa kiểng An Bình cho biết, THT hoa kiểng được thành lập cách đây hơn 1 năm. Lúc đầu, THT chỉ có một vài thành viên nhưng đến nay đã có 13 tổ viên tham gia. THT hoa kiểng An Bình có diện tích canh tác hơn 4ha, chủ yếu là tập hợp các hộ trồng sứ với nhau cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cũng như cách làm hiệu quả để hỗ trợ anh em cùng làm theo.

Do sứ củ và cây Ngọc Lan (cùng họ với sứ củ) là loại cây công trình nên thị trường tiêu thụ khá dễ, chủ yếu là bán cho thương lái ở Sa Đéc và TP.Hồ Chí Minh. Giá bán tương đối ổn định, tuy nhiên theo anh Sơn, bán hàng theo hình thức này phải qua khâu trung gian là thương lái nên bị giảm một phần lợi nhuận, riêng những tháng mưa, chất lượng cây không đồng đều nên thường bị thương lái kỳ kèo ép giá.

Gần đây, một số anh em trong THT tình cờ phát hiện ra cách làm mới, đó là tạo kênh youtube, quay hình ảnh trực tiếp và bán hàng trên mạng. Cách làm này đã tạo ra lợi ích khá lớn cho anh em, bởi bán hàng theo hình thức này có sự tương tác qua lại giữa người mua và người bán, cũng như việc thỏa thuận giá cả hợp lý sẽ giúp khách hàng có sự lựa chọn phù hợp.

Anh Trần Văn Ngôn - Tổ trưởng THT hoa kiểng An Bình, đồng thời cũng là người đầu tiên của tổ thực hiện theo hình thức bán hàng trên mạng chia sẻ: “Bán hàng theo hình thức này mình bỏ được khâu trung gian là thương lái nên lợi nhuận cao hơn khoảng 30 - 40%. Ví dụ, một chậu sứ củ 1 năm tuổi bán cho thương lái đồng giá 50.000 đồng/chậu, khi bán trên mạng mình có thể định giá phù hợp tùy theo chất lượng mỗi chậu, rồi thỏa thuận với khách hàng, nếu khách đồng ý sẽ giao hàng tận nơi”.

Tuy nhiên, theo anh Ngôn, bán hàng theo hình thức này đòi hỏi người nông dân phải nhanh nhẹn trong việc kết nối với các đơn vị vận chuyển như xe khách, bưu điện để giao nhận hàng, phải tạo tài khoản ngân hàng để nhận tiền khi giao dịch thành công. Anh Ngôn cho biết thêm, với tài khoản vườn sứ Nguyễn Nhàn trên youtube của mình, hiện trung bình mỗi ngày anh bán khoảng 30-70 cây sứ củ với đủ loại giá, nhưng thông thường khách ưa chuộng các chậu tầm giá khoảng 100-300 ngàn đồng (loại sứ củ trên 1 năm tuổi).

Được biết, ngoài anh Ngôn, hiện nay một số xã viên trong THT cũng đang tập làm theo, trong đó Facebook, Zalo là 2 kênh chính, còn kênh youtube anh Ngôn đang tiếp tục hỗ trợ họ hoàn thiện quy trình, đồng thời vận động nhiều anh em tham gia thêm vào THT để có những chia sẻ về cách làm ăn mới. Theo anh Ngôn, nếu người nông dân cùng học hỏi cách bán hàng ứng dụng thương mại điện tử sẽ nâng cao lợi nhuận người sản xuất. Đồng thời, cách kinh doanh này sẽ tạo cho người nông dân dần tiếp cận công nghệ mới vào sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn