Áp dụng cưỡng chế nếu không tự nguyện chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai

Cập nhật ngày: 31/07/2017 11:01:26

ĐTO - UBND tỉnh vừa có quyết định ban hành Quy định về cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Đối tượng áp dụng là các bên tranh chấp đất đai không tự nguyện chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành.

Theo đó, việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật. Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.

Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; trong thời gian 15 ngày trước và sau Tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách nếu họ là người bị cưỡng chế và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.

Điều kiện cưỡng chế là quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không chấp hành quyết định và đã được UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp nơi có đất tranh chấp vận động, thuyết phục mà không chấp hành; Quyết định cưỡng chế đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất tranh chấp; Quyết định cưỡng chế đã có hiệu lực thi hành; người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế hoặc đã được giao hợp lệ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, quyết định cưỡng chế phải được gửi cho cơ quan chủ trì thực hiện cưỡng chế, người bị cưỡng chế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất tranh chấp để phối hợp thực hiện. Đồng thời, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất tranh chấp.

Quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp cho người bị cưỡng chế; việc giao, nhận phải lập biên bản, bên giao và bên nhận cùng ký tên hoặc điểm chỉ, ghi họ và tên vào biên bản. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận hoặc vắng mặt thì lập biên bản về việc từ chối không nhận hoặc vắng mặt có xác nhận của UBND cấp xã và thực hiện niêm yết văn bản theo quy định.

Chủ tịch UBND cấp huyện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn quản lý và kịp thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành mà các bên tranh chấp không tự nguyện chấp hành; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện đến UBND tỉnh.

Các quy định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10/8/2017.

Nhật Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn