Cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Cập nhật ngày: 19/09/2019 18:25:05

Ngày 19/9, ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (XHTE).


Ông Phạm Văn Hòa phát biểu tại buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Theo đánh giá của Sở LĐTBXH, công tác bảo vệ TE, đặc biệt là phòng, chống bạo lực, XHTE trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND các cấp, các ngành trong công tác tổ chức triển khai. Công tác theo dõi, hỗ trợ TE bị xâm hại, TE có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và TE có hoàn cảnh đặc biệt được tuân thủ chặt chẽ theo quy định pháp luật.

Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm tìm mọi giải pháp để ngăn ngừa tội phạm về bạo lực, XHTE. Tuy nhiên, tình trạng TE bị bạo lực, xâm hại và xâm hại tình dục vẫn xảy ra và diễn biến theo chiều hướng phức tạp; độ tuổi TE trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 13 đến dưới 16 tuổi và phần lớn là trẻ em gái.

Tính từ năm 2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 520 TE bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Hậu quả của việc bị xâm hại gây tổn thương cho trẻ ở các mức độ khác nhau. Trong số 520 trẻ bị xâm hại, có 2 trẻ tử vong, 16 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục, 17 trẻ bỏ học do bị xâm hại, số trẻ còn lại bị tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TE bị xâm hại như: ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận người dân ở nhiều địa phương chưa nghiêm; hình thức xử lý những người có hành vi bạo lực, XHTE chưa kịp thời và chưa có tác dụng giáo dục, răn đe; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thường xuyên sâu rộng; không ít người do thiếu hiểu biết về pháp luật, từ đó có những hành vi vi phạm pháp luật.

Một số gia đình, người chăm sóc TE và chính bản thân TE còn thiếu kiến thức pháp luật cơ bản về quyền TE, đặc biệt quyền được bảo vệ của TE, dẫn đến tình trạng bố mẹ sao lãng, bỏ mặc con cái; khi vụ việc xảy ra không dám tố cáo kẻ gây hại, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Hòa – Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE của Sở LĐTBXH. Bên cạnh đó, đề nghị thời gian tới ngành LĐTBXH tỉnh cần phối hợp đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE; đổi mới phương pháp truyền thông, tập trung tuyên truyền trực tiếp, sâu rộng trong cộng đồng; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành việc cung cấp dịch vụ bảo vệ TE và xử lý các vụ việc xâm hại tình dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành, liên cấp về phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột TE; thực hiện các giải pháp ứng phó và ngăn chặn các vấn đề XHTE.

Buổi chiều cùng ngày, Đoàn giám sát tiếp tục đến làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).


Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp làm việc với Sở GDĐT

Hàng năm, ngành GDĐT của tỉnh đã triển khai, tuyên truyền cho các đơn vị, trường học về các văn bản liên quan công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE. Công tác truyền thông, giáo dục hướng vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người học, giáo viên, nhân viên về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE.

Ngành GDĐT phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong triển khai thực hiện Luật TE. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE trong tình hình mới. Môi trường giáo dục được chú trọng, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí lành mạnh được tổ chức tạo điều kiện cho TE học tập, vui chơi và phát huy các năng lực rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho bản thân trẻ trong nhà trường.

Trong các năm học từ 2015 đến 2019, số TE bị xâm hại là 66 (có 39 em bị bạo lực, 27 em bị xâm hại tình dục). Thủ đoạn các đối tượng xâm hại TE là cho quà, rủ các em đi chơi để lợi dụng nơi vắng vẻ để dụ dỗ hoặc cưỡng bức xâm hại trẻ. Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để nhắn tin dụ dỗ, yêu đương, rủ rê đi ăn uống, cho trẻ sử dụng chất kích thích, gây nghiện… để xâm hại trẻ.

Khó khăn, hạn chế trong công tác phòng, chống xâm hại TE là chưa có những cuộc khảo sát, kiểm tra mang tính chuyên sâu, chuyên đề và chưa có báo cáo cụ thể tình trạng XHTE từ các cơ sở giáo dục. Một số địa phương thiếu quan tâm chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai cho cơ sở; công tác thống kê, cập nhật số liệu chưa đầy đủ.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác bảo vệ TE chưa thường xuyên, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể chưa liên tục và quyết liệt; chưa kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của nhóm TE có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm TE có nguy cơ bị xâm hại.

Ông Phạm Văn Hòa – Trưởng đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Sở GDĐT trong chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống XHTE, nhất là phòng, chống bạo lực học đường và mong muốn ngành GDĐT tiếp tục phát huy giá trị 5 điều Bác Hồ dạy để giáo dục học sinh. Đồng thời, đề nghị Sở GDĐT có sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm về các mô hình đã triển khai, cũng như một số mô hình mới để nhân rộng thực hiện các mô hình tốt và có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành có liên quan để làm tốt công tác bảo vệ TE để những mầm non của đất nước phát triển lành mạnh, trở thành rường cột của quốc gia sau này.

Kim Ngân - Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn