Chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của ngành Thi hành án dân sự tỉnh
Cập nhật ngày: 19/07/2013 06:16:04
Cách đây 20 năm, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự (THADS), Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/CP quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác THADS và chấp hành viên là những cơ sở pháp lý chính thức đánh dấu sự ra đời của các cơ quan THADS. Kể từ ngày 1/7/1993, hệ thống tổ chức THADS được xây dựng theo cơ cấu từ Trung ương đến cấp huyện, do Chính phủ thống nhất quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích
qua 20 năm công tác nhân Ngày truyền thống ngành thi hành án dân sự
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai việc bàn giao, tăng cường công tác THADS ở địa phương, UBND tỉnh Đồng Tháp đã thành lập các Ban chỉ đạo bàn giao công tác THADS từ ngành Tòa án sang ngành Tư pháp của tỉnh. Sau khi bàn giao, ngành Tư pháp tiếp nhận một số cán bộ, công chức từ ngành Tòa án, Viện kiểm sát, Công an chuyển sang để thành lập Phòng Thi hành án tỉnh thuộc Sở Tư pháp và các Đội THADS thuộc Phòng Tư pháp các huyện, thị xã.
Cùng với quá trình đổi mới xây dựng đất nước, chủ trương cải cách tư pháp, hệ thống tổ chức của các cơ quan THADS có thêm 2 bước phát triển lớn. Năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh THADS, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP, từ đó các cơ quan THADS được thành lập ở địa phương với tên gọi THADS cấp tỉnh và THADS cấp huyện, cơ bản tách ra thành cơ quan độc lập. Đến năm 2008, với sự ra đời của Luật THADS, hệ thống các cơ quan THADS được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, đồng thời chịu sự quản lý của UBND cùng cấp. Điều này đã tạo vị thế mới, tương xứng cho các cơ quan THADS có thể đảm nhận những nhiệm vụ mới phù hợp yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Từ đó đến nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhiệm vụ của các cơ quan THADS của tỉnh ngày càng phát sinh nhiều, khối lượng công việc năm sau cao hơn năm trước, tính chất công việc ngày càng phức tạp và nhiệm vụ được giao ngày càng cao, không chỉ giới hạn trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án mà còn được giao thêm nhiệm vụ thi hành các quyết định của một số cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Luật THADS năm 2008.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1993 - 2003 các cơ quan THADS trong tỉnh đã giải quyết xong 51.787 việc, đạt tỷ lệ bình quân cả giai đoạn là hơn 62%, trong đó thực thu được 127 tỷ đồng (thu cho ngân sách hơn 10 tỷ đồng). Trong giai đoạn 2004 - 2008, giải quyết xong 41.777 việc, đạt tỷ lệ bình quân hơn 72%, thực thu được 381 tỷ đồng (thu cho ngân sách gần 52 tỷ đồng). Đến giai đoạn 2009 - 2012, thi hành xong 46.558 việc, đạt tỷ lệ bình quân hơn 86%, thực thu được 549 tỷ đồng (thu cho ngân sách gần 53 tỷ đồng).
Đạt được kết quả trên, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực lớn của đội ngũ cán bộ, công chức THADS trong toàn tỉnh, còn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, UBND, sự giám sát thường xuyên của HĐND và sự phối hợp hiệu quả của các ngành hữu quan, nhất là các cơ quan nội chính, cùng hiệu quả dân vận của các tổ chức xã hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
Qua hơn 20 năm xây dựng, phát triển, đến nay tổng biên chế các cơ quan THADS trong tỉnh tăng gấp ba lần so với năm 1993, hiện nay ngành đã có 165/179 biên chế, đa số đều đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định. Trong đó, nhiều tập thể, cá nhân của ngành đã được Đảng, Chính phủ và UBND tỉnh tặng nhiều danh hiệu thi đua và khen thưởng. Những thành tích ngành THADS tỉnh đạt được đã góp phần đảm bảo hiệu lực pháp luật của các bản án, quyết định của Tòa án, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, góp phần đảm bảo ổn định chính trị và trật tự xã hội. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19 tháng 7 hàng năm là Ngày truyền thống THADS.
Thanh Trúc