Chợ Tân Hồng - nhiều vấn đề bất cập cần được nhanh chóng giải quyết

Cập nhật ngày: 13/11/2017 11:32:42

ĐTO - Từ khi được đầu tư nâng cấp đến nay, chợ Tân Hồng đã phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến việc mua bán của tiểu thương và tình hình trật tự tại địa phương. Các ngành chức năng cần sớm giải quyết để hoạt động mua bán tại chợ diễn ra trong trật tự.


Được đầu tư nâng cấp khang trang nhưng nhiều tiểu thương không vào chợ Ẩm thực Tân Hồng mua bán

Bất đồng từ việc bố trí không hợp lý

Chợ Tân Hồng được Nhà nước đầu tư xây dựng vào năm 1996. Đến năm 2013, chợ bị xuống cấp nặng, không đáp ứng được nhu cầu mua bán của tiểu thương nên UBND huyện Tân Hồng thực hiện xã hội hóa kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nâng cấp chợ.

Đầu năm 2015, Quỹ Đầu tư Phát triển (ĐTPT) tỉnh Đồng Tháp trúng thầu Dự án Cải tạo, nâng cấp chợ Tân Hồng với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng, thời gian khai thác trong 20 năm. Tuy nhiên, do không được phép dùng kinh phí trực tiếp của Quỹ để đầu tư các dự án thương mại nên đến tháng 11/2015, Quỹ ĐTPT ký hợp đồng chuyển giao Dự án Cải tạo, nâng cấp chợ Tân Hồng cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu Hoàng Gia (gọi tắt là Công ty Hoàng Gia) trụ sở chính tại quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh để đầu tư, khai thác từ ngày 1/1/2016 và được sự đồng ý của UBND huyện Tân Hồng.

Nhưng trước Tết Nguyên đán 2017, khi Công ty Hoàng Gia thực hiện nâng cấp xong 3 trong số 4 công trình chính của chợ Tân Hồng là chợ Nông sản, chợ Ẩm thực, chợ Thực phẩm (còn chợ Bách hóa chưa cải tạo, nâng cấp) và di dời các tiểu thương vào mua bán thì phát sinh nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến hoạt động của chợ.

Theo quy hoạch của huyện Tân Hồng, khu vực chợ Thực phẩm sẽ bố trí cho các tiểu thương bán mặt hàng rau, cá, thịt; chợ Nông sản bố trí bán gạo, trái cây, hàng khô (gia vị nấu nướng) và chợ Ẩm thực bố trí bán hàng ăn, uống. Tuy nhiên sau một thời gian Công ty Hoàng Gia bố trí như trên, nhiều tiểu thương bán hàng ăn uống, hàng khô, hàng nông sản mua bán ế ẩm đã tự ý chiếm dụng vỉa hè chợ Thực phẩm để dựng khung tôn làm nơi mua bán hoặc bán lưu động bằng xe đẩy quanh chợ, khiến cho nhiều tiểu thương chấp hành theo quy định phản ứng quyết liệt.

Bà Nguyễn Thị Thiện (70 tuổi) tiểu thương ngành hàng ăn uống chợ Ẩm thực Tân Hồng nói: “Chúng tôi chấp hành theo quy định nhưng các hộ khác lại mua bán theo hình thức lưu động nên không bán buôn gì được. Vì bán ế ẩm mà nhiều hộ đã nghỉ bán, riêng tôi thì không có tiền đóng tiền thuê mặt bằng, mong các ngành chức năng bố trí lại chợ cho hợp lý”.

Nếu trước đây khi chưa nâng cấp, chợ Tân Hồng chỉ có 2 khu chính là chợ Thực phẩm và chợ Bách hóa, trong đó chợ Thực phẩm là nơi tổng hợp các ngành hàng từ thịt, cá, rau quả đến hàng khô,... thì hiện nay chợ được chia thành 4 khu riêng biệt. Khu chợ Thực phẩm bố trí một đầu, còn chợ Nông sản và chợ Ẩm thực bố trí đầu còn lại (cách xa chợ Thực phẩm hơn 100m), ở giữa là chợ Bách hóa có sẵn. Vì chợ Thực phẩm mua bán rất nhộn nhịp nên các tiểu thương tranh nhau tìm vị trí ở khu vực này để bán đắt hàng hơn. Nhiều tiểu thương hàng khô, hàng ăn uống bất chấp quy định tự dựng nhà sạp, che chắn bằng khung sắt ở vỉa hè chợ Thực phẩm mua bán, gây bít lối thông thương của khu chợ này.

Ông Nguyễn Minh Hòa - tiểu thương mua bán hàng khô tại chợ Tân Hồng cho biết: “Việc bố trí các ngành hàng của chợ quá bất hợp lý nên vì cuộc sống hằng ngày chúng tôi mới tự xây dựng khung nhà trên vỉa hè chợ Thực phẩm mua bán. Tôi và tiểu thương khác chấp nhận đóng hoa chi theo giá mới nhưng phải có nơi cho chúng tôi mua bán thích hợp”.

Ngoài ra, các tiểu thương ngành hàng thịt ở chợ Tân Hồng sau khi kiến nghị tăng thêm diện tích kệ mua bán từ 1,5mx2m lên 2mx2m bất thành do chợ Thực phẩm không còn chỗ bố trí thêm diện tích đã tự chiếm chỗ mua bán trong chợ mà không đóng tiền thuê mặt bằng cho chủ đầu tư.

Ông Lê Hoàng Chinh - Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Gia, chủ đầu tư nâng cấp chợ Tân Hồng cho biết: “Trong quá trình xây dựng và bố trí chợ theo phương án của huyện phê duyệt, công ty thấy bất cập và đã nhiều lần kiến nghị thay đổi vị trí và kích thước của các kệ hàng cho phù hợp với nguyện vọng của tiểu thương nhưng không được chấp nhận. Việc này không những thiệt thòi cho tiểu thương mà còn gây thất thu cho công ty”.

Những vấn đề  cần giải quyết

Những tồn tại bất cập đang diễn ra tại chợ Tân Hồng còn do bất đồng giữa ngành chức năng huyện Tân Hồng với chủ đầu tư trong việc xác định hình thức chợ. Nguyên nhân của những bất đồng vừa nêu là do địa phương đã “xé rào” trong thu hút đầu tư chợ, không thực hiện đúng theo các Quyết định số 14 ngày 14/5/2013 và Quyết định số 20 ngày 23/9/2014 của UBND tỉnh về đấu thầu và quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.


Vỉa hè chợ Thực phẩm bị tiểu thương che chắn bít lối đi, khiến chợ không thông thương

Nếu thực hiện đúng các quy định này, UBND huyện Tân Hồng phải lập báo cáo với UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ và phối hợp với các cơ quan chuyên môn tỉnh định giá đất và giá trị tài sản còn lại của chợ nhằm tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định cho nhà đầu tư thuê đất thực hiện dự án. Nhưng do không thực hiện đúng các quy định trên, huyện đã giao Công ty Hoàng Gia tiến hành thực hiện nâng cấp chợ mà chưa có quyết định cho thuê đất và giao đất của UBND tỉnh.

Ngoài ra, chợ Bách hóa cũng chưa được định giá để chủ đầu tư hoàn vốn lại cho Nhà nước để tiến hành sửa chữa, nâng cấp khu chợ này. Vì vậy, giữa huyện Tân Hồng và chủ đầu tư cứ nhùng nhằng về việc chợ Nhà nước hay chợ do doanh nghiệp đầu tư dù đến nay Công ty Hoàng Gia đã bỏ ra khoản kinh phí khoảng 7 tỷ đồng để nâng cấp các chợ Thực phẩm, Nông sản và Ẩm thực.

Mặc dù đã tích cực phối hợp với ngành chức năng tỉnh trong xác định hình thức chợ nhưng đến nay quy định về mức thu hoa chi chợ Tân Hồng vẫn chưa được phê duyệt. Công ty Hoàng Gia vẫn chưa thực hiện thu hoa chi với phần lớn các hộ mua bán trong chợ Tân Hồng theo Quyết định 69 ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn, mặc dù công ty phải chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng để trả chi phí điện, nước, rác thải và quản lý chợ. Vào giữa tháng 9 vừa qua, chợ đã bị tồn đọng rác thải vì chủ đầu tư không tiếp tục chi trả kinh phí thu gom rác do tiểu thương nợ tiền hoa chi.

Ông Lê Hoàng Chinh cho biết: “Đến thời điểm này chỉ có khoảng 40% trên tổng số hơn 200 tiểu thương đăng ký mua bán tại chợ đóng tiền thuê mặt bằng, gây thất thu nặng cho chúng tôi. Các vấn đề phát sinh tại chợ Tân Hồng, chúng tôi rất cần ngành chức năng địa phương hỗ trợ, giải quyết”.

Những bất ổn tại chợ Tân Hồng đã và đang được lãnh đạo tỉnh tìm hướng xử lý. Vừa qua, ông Châu Hồng Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến làm việc với lãnh đạo huyện Tân Hồng để giải quyết các vướng mắc về chợ. Tại buổi làm việc, ông Mai Văn Siêng - Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng cho biết, địa phương chưa lường hết những tình huống xảy ra đối với chợ Tân Hồng vì đây là chợ đầu tiên thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, huyện cũng thừa nhận các thiếu xót trong việc thực hiện các thủ tục về chuyển đổi. Hạn chế về công tác tuyên truyền đối với tiểu thương, vị trí bố trí ngành hàng, quầy hàng, mức giá hoa chi ở từng vị trí, từng khu vực... chưa cụ thể để các tiểu thương biết, gây ra sự phản ứng của các tiểu thương... UBND huyện Tân Hồng đề nghị tỉnh hỗ trợ địa phương giải quyết các vấn đề xảy ra tại chợ Tân Hồng để các tiểu thương sớm ổn định nơi mua bán.

Việc tư nhân vào đầu tư nâng cấp chợ Tân Hồng góp phần nâng cấp bộ mặt đô thị của thị trấn Sa Rài và giúp cho các tiểu thương của chợ Tân Hồng có nơi mua bán khang trang. Thiết nghĩ trước những bất cập vừa nêu, ngành chức năng tỉnh và huyện Tân Hồng cần có giải pháp quyết liệt hỗ trợ cho chủ đầu tư khai thác chợ đúng theo quy định, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tiểu thương - chủ đầu tư và chính quyền địa phương.

Trần Ngọc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn