LAI VUNG
Gần 5 năm vẫn chưa xét xử xong một vụ cố ý gây thương tích
Cập nhật ngày: 03/11/2017 10:03:18
ĐTO - Bị can Nguyễn Tấn Đạt (SN 1968, ngụ ấp Tân Lộc B, xã Tân Dương, huyện Lai Vung) tiếp tục gửi đơn đến ngành chức năng huyện và tỉnh cầu cứu xem xét giải oan vì gần 5 năm trôi qua vẫn mang thân phận bị can. Bị can Đạt khẳng định mình hoàn toàn không có gây thương tích cho người khác và điều này được Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP.HCM minh chứng rất rõ ràng.
Bị can Nguyễn Tất Đạt trình bày nội dung vụ việc và cho rằng mình bị khởi tố, truy tố oan sai
Theo bị can Đạt, ngày 21/11/2012, bà Vương (vợ ông Hiếu Văn Tư – SN 1940, ngụ xã Tân Dương, huyện Lai Vung) đến nhà ông Đạt phản ánh việc đổ gạch đá lấn chiếm lòng rạch Xẻo Tre thuộc địa phận ấp Tân Lộc B (xã Tân Dương) gây ảnh hưởng đến phương tiện qua lại và hai bên có lời qua tiếng lại. Sau đó, ông Hiếu Văn Tư bơi xuồng qua nhà ông Đạt hỏi chuyện. Ông Tư đậu xuồng dưới bến, cầm dầm lên bờ và lấy đá, dầm đánh nên ông Đạt có “phản xạ tự vệ” chứ không gây thương tích cho ông Tư.
Ngày 22/1/2013, Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Tháp kết luận giám định tỷ lệ thương tật đối với ông Đạt là 47%. Còn ông Tư bị sẹo vết thương ở cẳng tay, chấn thương phần mềm vùng hông, lưng, đùi không để lại di chứng với tỷ lệ thương tật 3%. Ngày 15/3/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lai Vung ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can Nguyễn Tấn Đạt và Hiếu Văn Tư (cả hai đều được tại ngoại). Đến ngày 11/7/2013, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lai Vung ra quyết định truy tố bị can Đạt (theo khoản 1) và bị can Tư (theo khoản 3) cùng về tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại Điều 104 của Bộ luật hình sự.
Sau đó, bị can Đạt có đơn yêu cầu giám định lại tình trạng thương tích của bị can Tư và được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lai Vung chấp thuận. Bản giám định của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP.HCM ngày 9/4/2015 kết luận: bị can Hiếu Văn Tư có tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 0% (theo hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc), còn tổn thương không có trong hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc là 3%. Từ kết quả giám định, bị can Đạt cho rằng mình bị khởi tố, truy tố “oan” vì tổn thương cơ thể của bị can Tư có trong hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc do mình gây ra là 0%. Riêng tỷ lệ thương tật 3% của bị can Tư (không có trong hồ sơ bệnh án) có thể có trước hoặc sau khi xảy ra vụ án.
Vụ án đã được TAND huyện Lai Vung nhiều lần đưa ra xét xử, nhưng phải hoãn phiên tòa vì bị can Tư bị tai biến mạch máu não không đi lại được, không nói chuyện được.
Theo TAND huyện Lai Vung, để có cơ sở xét xử vụ án theo yêu cầu của đại diện hợp pháp của bị can Đạt, ngày 8/4/2016, TAND huyện Lai Vung đã quyết định trưng cầu giám định bị can Tư (về năng lực và sức khỏe đủ điều kiện dự tòa hay không) tại Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam bộ (TP.Cần Thơ).
Đơn vị giám định đã thông báo có kết quả, nhưng TAND huyện Lai Vung chưa có tiền để thanh toán chi phí giám định nên chưa nhận được kết luận giám định từ Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam bộ. Vấn đề đặt ra là tại sao tỷ lệ thương tích của bi can Tư là 0% nhưng bị can Đạt lại bị khởi tố hình sự và gần 5 năm trôi qua nhưng TAND huyện vẫn chưa xét xử xong một vụ “Cố ý gây thương tích” - đã ít nhiều gây thắc mắc trong dư luận.
NGỌC TÂM