Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Cập nhật ngày: 12/12/2012 03:45:38

Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) được các cấp CĐ trong tỉnh đặc biệt quan tâm.

LĐLĐ tỉnh đã thành lập Tiểu Ban tuyên truyền PBGDPL do đồng chí Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh làm Trưởng Tiểu Ban, lãnh đạo các Ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc LĐLĐ tỉnh là thành viên. Trong những năm qua, Tiểu Ban đã duy trì nề nếp sinh hoạt theo định kỳ, kịp thời đề xuất với Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tổ chức, thực hiện các hoạt động TTPBGDPL cho NSDLĐ và NLĐ ở các loại hình doanh nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra, các cấp CĐ đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cơ sở, những địa bàn trọng yếu tại các khu, cụm công nghiệp có đông CNLĐ.

Qua 4 năm thực hiện, bước đầu Đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến trong nhận thức của NLĐ. LĐLĐ tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khảo sát 53 NSDLĐ và 1.970 CNLĐ tại 53 doanh nghiệp để phân tích, đánh giá thực trạng việc thực hiện chính sách, pháp luật của doanh nghiệp, trình độ nhận thức và nhu cầu phổ biến kiến thức pháp luật của CNLĐ. Trên cơ sở đó, các cấp CĐ tổ chức các hoạt động TTPBGDPL cho CNLĐ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đã tổ chức 1.953 cuộc tuyên truyền tập trung tại 197 doanh nghiệp, thu hút 107.612 lượt CNLĐ dự, nổi bật là tổ chức hội nghị tập huấn, hội thảo; thi tìm hiểu về Bộ Luật Lao động; hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi”, “Tuyên truyền viên Luật Bảo hiểm xã hội”, ở các doanh nghiệp để TTPBGDPL đến đông đảo NLĐ. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các CĐCS tổ chức Hội nghị đối thoại tại các doanh nghiệp có đông CNLĐ như: Công ty Cổ phần XNK Y tế Domesco; Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy sản Hoàng Long; Công ty Cổ phần Docimexco, thu hút trên 400 CNLĐ tại các nhà máy, phân xưởng. Các cấp CĐ tích cực phối hợp với Công an và ngành chức năng tổ chức được 32 cuộc tuyên truyền tại 22 Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ trong dân cư và khu nhà tập thể trong doanh nghiệp ở 6 huyện, thị, thành trong toàn tỉnh, thu hút 4.130 lượt CNLĐ tham dự.

Tổ chức tuyên truyền 1.840 buổi trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ tại 22 doanh nghiệp, trên Website Công đoàn, Thông tin Lao động và Công đoàn; hướng dẫn các LĐLĐ huyện, thị, thành sử dụng bộ câu hỏi để phối hợp với Đài Truyền thanh huyện, thị, thành phát thanh thông qua các Tiểu mục NLĐ cần biết lồng ghép trong Chuyên mục “Tiếng nói CNLĐ” phát định kỳ 2 lần/ngày ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đây là mô hình tuyên truyền khá hiệu quả, trong điều kiện NLĐ tại các doanh nghiệp làm việc liên tục từ 10 – 12 giờ/ngày, không có điều kiện tiếp cận các thông tin về pháp luật. Trong đó, thời gian và hình thức tuyên truyền được chú ý khai thác khi công nhân tan ca, giờ nghỉ trưa, lúc chiều tối với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”. Phổ biến và phát hành gần 82.000 tờ rơi, tờ bướm, sổ tay pháp luật hỏi đáp dạng bỏ túi. Trang bị được 48 tủ sách pháp luật cho doanh nghiệp và tại các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ; in 2.800 đĩa VCD cấp phát tại các doanh nghiệp có đông CNLĐ đang làm việc để tuyên truyền. Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao chất lượng công tác TTPBGDPL cho NSDLĐ và NLĐ trong các doanh nghiệp, đồng thời củng cố, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa NSDLĐ và NLĐ, ý thức trách nhiệm của tổ chức CĐ các cấp.

Theo số liệu thống kê, qua 4 năm thực hiện Đề án có 96% NSDLĐ được tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; 84% NLĐ được TTPBGDPL về quyền và nghĩa vụ của công dân và NLĐ. Mặc dù công tác tuyên truyền pháp luật đã mang lại kết quả nhất định, song làm thế nào để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật vẫn luôn là vấn đề cần được các cấp CĐ quan tâm.

LH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn