Đề phòng tội phạm bắt giữ người trái pháp luật

Cập nhật ngày: 27/10/2017 10:37:02

Thời gian qua, tình trạng bắt giữ người trái pháp luật bắt nguồn từ việc đòi nợ hay đòi nợ thuê hoặc trả thù cá nhân ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Để phòng ngừa với loại tội phạm này, người dân cần trang bị những kiến thức cần thiết nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng của mình.

Đe dọa, lăng mạ, hành hung, tạt nước... với đủ mọi chiêu trò, các đối tượng đã khiến con nợ từ nỗi sợ này đến nỗi sợ khác và rồi họ buộc phải gồng mình ký giấy nợ hoặc tìm mọi cách để trả cho chủ nợ số tiền đã vay.

Mai Anh Tấn ngụ ấp 2, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh đã rơi vào tình cảnh như thế. Khoảng đầu tháng 9/2017, Nguyễn Thị Thùy Trinh ngụ phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh liên lạc với Tấn qua mạng xã hội (Zalo) đặt mua tiền giả. Sau khi thỏa thuận mua bán xong, Tấn nhận của Trinh 1 triệu đồng nhưng Tấn không đưa số tiền giả như đã giao kèo. Biết mình bị lừa, Trinh không báo với Công an mà rủ Nguyễn Phước Đại, Bùi Dương Dạ Thảo, Nghĩa và Thắm lên kế hoạch đòi tiền.

Theo sự sắp xếp của Trinh, Thảo liên hệ với Tấn để đặt mua tiền giả với mục đích là dụ Tấn ra mặt. Đến ngày 30/9/2017, khi Tấn vừa xuất hiện tại ấp 1, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh thì Đại và Nghĩa cùng khống chế, dùng dao đe dọa. Sau đó, Trinh ra lệnh cho cả nhóm chở Tấn đến địa điểm khác để đòi tiền.

Bị đe dọa, chửi mắng, Tấn buộc phải làm theo yêu cầu của Trinh. Viết xong tờ giấy nợ thiếu 20 triệu đồng, Trinh vẫn chưa chịu buông tha cho Tấn, cả nhóm tiếp tục chở Tấn đến tiệm cầm đồ thuộc phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh và buộc Tấn làm thủ tục cầm xe mô tô với số tiền 10 triệu đồng rồi tiếp tục ép Tấn ghi giấy nợ số tiền còn lại.

Thượng tá Nguyễn Văn Rắc - Phó Trưởng Công an huyện Cao Lãnh cho biết: Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Cao Lãnh xảy ra 3 vụ bắt giữ người trái pháp luật, phần lớn các vụ phát sinh từ việc mượn nợ không trả và các vụ bắt giữ người trái pháp luật thường phạm thêm các tội khác như cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản. Nếu rơi vào trường hợp đối tượng đe dọa, bắt giữ trước hết bản thân phải khéo léo xử lý tình huống, nhẹ nhàng, tránh để đối tượng bị kích động dẫn đến gây thương tích hoặc bắt giữ, gây hậu quả phức tạp, đồng thời phải thông báo cho người thân, mọi người xung quanh đến hỗ trợ giúp đỡ.

Trước đó, khoảng tháng 5/2017, tại xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò cũng xảy ra một vụ bắt giữ người trái pháp luật. Nguyên nhân vụ việc được Công an huyện Lấp Vò xác định là do anh Lê Thanh Bình ngụ xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò có vay số tiền 30 triệu đồng của Nguyễn Hoàng Thắm ngụ xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò nhưng không trả và cũng không đóng lãi.

Tức giận vì anh Bình cố tình lánh mặt, ngày 18/5/2017, thấy Bình đang chơi bi da, Thắm cùng 3 đối tượng khác đến gặp Bình để giải quyết nợ nần. Thấy Bình không có thiện chí, Thắm liền lôi Bình ra ngoài và đưa lên xe mô tô chở đến địa điểm khác để nói chuyện. Bình tiếp tục chống cự. Lúc này, Thắm không còn giữ được bình tĩnh... Sau cái tát tay, thì đồng bọn của Thắm xông vào đánh Bình tới tấp.

Sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Lấp Vò đã tiến hành điều tra làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật của Nguyễn Hoàng Thắm và Trần Trường Giang. Đến nay, vụ việc đã chuyển giao cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Lấp Vò để truy tố các đối tượng về tội bắt giữ người trái pháp luật.

Chuyện vay nợ và đòi nợ vốn dĩ xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì đòi nợ một cách đúng pháp luật thì một số chủ nợ lại dùng kiểu “xã hội đen” để dằn mặt con nợ. Cách đòi nợ bằng bạo lực không giải quyết được vấn đề mà còn là nguyên nhân dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.

Thanh Thảo

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn