Giám sát hoạt động của Viện kiểm sát và Tòa án

Cập nhật ngày: 18/10/2017 08:44:14

ĐTO - Ngày 17/10, bà Lê Thị Hồng Phượng - Trưởng Ban pháp chế của Hội đồng nhân dân tỉnh làm trưởng đoàn đến khảo sát, giám sát kết quả hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) và Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tháp Mười.


Quang cảnh buổi giám sát Viện kiểm sát nhân dân huyện

Trong năm 2017, VKSND huyện thụ lý 849 vụ, việc dân sự, giải quyết 672 trường hợp; thụ lý 453 vụ án hôn nhân và gia đình, giải quyết 438 vụ, hòa giải thành 267 trường hợp; thụ lý và giải quyết 63 vụ áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 82 vụ/114 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 62 vụ/84 bị cáo.

VKSND huyện phối hợp với Cơ quan điều tra từ việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, xác định có tội phạm xảy ra để quyết định khởi tố vụ án được gần 100 tin, giải quyết 92 tin. Thực hiện kiểm sát thường kỳ nhà tạm giữ, kiểm sát việc chấp hành chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam để hạn chế tình trạng bỏ trốn, đánh nhau.

VKSND huyện nêu ra một số khó khăn: quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn nhiều vi phạm tố tụng, chậm tổ chức khám nghiệm hiện trường; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có trường hợp không đúng quy định; kiểm sát các vụ tranh chấp hụi không có sổ ghi chép, chứng từ có liên quan.

Bà Lê Thị Hồng Phượng lưu ý đối với VKSND huyện, không chạy theo chỉ tiêu mà làm việc bằng trách nhiệm được giao, rèn luyện thêm kỹ năng tiếp dân, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành.

Chiều cùng ngày, đoàn đến khảo sát, giám sát kết quả hoạt động của TAND huyện.


Quang cảnh buổi giám sát Tòa án nhân dân huyện

Từ 1/10/2016 - 31/8, TAND huyện thụ lý 1.448 vụ, việc các loại, giải quyết được 1.250 trường hợp; có 17 vụ tạm đình chỉ đúng quy định; án kháng cáo bị cấp phúc thẩm sửa 3 vụ án, 7 vụ án hình sự sửa án về hình phạt và án hủy 3 vụ.

Bên cạnh đó, TAND huyện có quy chế phối hợp với VKSND huyện, Công an huyện thực hiện tốt công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm theo quy định và phòng chống tội phạm.

TAND huyện cũng chỉ ra một số khó khăn như: số lượng các loại án phải thụ lý và giải quyết tăng hằng năm, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, những tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất đều phải có mặt của các thành viên trong hộ gia đình, biên chế Thẩm phán còn thiếu và chưa được tái bổ nhiệm dẫn đến thiếu lực lượng giải quyết vụ án.

Bà Lê Thị Hồng Phượng yêu cầu, TAND huyện tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ nghiệp vụ của ngành, tăng cường thêm tỷ lệ hòa giải thành, cần có giải pháp đột phá hơn để nâng cao trách nhiệm, kỷ cương của Chánh án.

D.ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn