Kháng nghị giám đốc thẩm vụ án dân sự bà Vương Thị Hạnh

Cập nhật ngày: 16/11/2018 16:34:46

ĐTO – Ngày 16/11, Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Đồng Tháp xác nhận, đơn vị vừa có văn bản báo cáo đề nghị Viện KSND Cấp cao 3 tại TP.HCM yêu cầu Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đồng Tháp chuyển hồ sơ, xem xét kháng nghị theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm số 230/2018/DS-PT ngày 28/9/2018 của TAND tỉnh Đồng Tháp, về việc tranh chấp “Yêu cầu chia tài sản chung và đòi lại tài sản” để xét xử sơ thẩm lại.


Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng “Tờ thuận phân” trong vụ án dân sự của bà Vương Thị Hạnh không có giá trị pháp lý (Ảnh: Tiến Đạt)

Theo Viện KSND tỉnh, bản án dân sự phúc thẩm nhận định ở cấp sơ thẩm và đơn kháng cáo của bà Vương Thị Hạnh (SN 1954, ngụ xã An Bình A, TX.Hồng Ngự) không đề cập trước khi cụ Ca Thị Hoảnh (chết năm 1985) về sống chung với cụ Vương Văn Hên (chết năm 1979), cụ Hoảnh có con riêng tên Trần Hải Yến và không có giấy tờ gì để chứng minh bà Yến là con ruột của cụ Hoảnh.

Việc nhận định như trên của cấp phúc thẩm là thiếu khách quan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Yến (đã chết) mà cụ thể là con của bà Yến là ông Đặng Hùng Lân. Bởi tại phiên tòa phúc thẩm, ông Lân đã cung cấp cho Tòa án giấy khai sinh đã thể hiện mẹ ruột là bà Yến và tại phiên tòa phúc thẩm ông Lân xác định do trước đó các nguyên đơn khởi hiện bà Hạnh chỉ là tranh chấp quyền sử dụng đất giữa 2 bên, không biết các bên tranh chấp là chia tài sản thừa kế nên ông Lân không có ý kiến, khi ông Lân ra tòa phúc thẩm thì mới biết là tranh chấp di sản thừa kế của cụ Hoảnh để lại, do đó ông Lân yêu cầu được thừa hưởng một phần của mẹ ông (bà Yến) được hưởng.

Ngoài ra, trước khi cụ Hên lấy cụ Hoảnh thì cụ Hên cũng có con riêng là ông Vương Văn Phát, sau khi cụ Hên và cụ Hoảnh lấy nhau thì có 2 người con chung là Vương Thị Ngôn và bà Hạnh. Ông Phát với bà Ngôn, bà Hạnh là anh em cùng cha khác mẹ. Còn bà Yến, bà Ngôn và bà Hạnh là chị em cùng mẹ khác cha. Việc ông Phát yêu cầu bà Hạnh chia di sản là tài sản chung do cụ Hoảnh và cụ Hên để lại nhưng tòa sơ thẩm không xem xét đưa ông Lân là người thừa kế thế vị của bà Yến vào tham gia tố tụng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Lân. Trong khi ông Lân có yêu cầu được hưởng một phần di sản do cụ Hoảnh để lại cho mẹ ruột của mình là bà Yến (ông Lân là người thừa kế kế vị của bà Yến).

Từ đó cho thấy, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự. Đồng thời, bản án sơ thẩm buộc hộ bà Hạnh giao trả cho các nguyên đơn diện tích 661,3m2, trong khi thực tế nguyên đơn yêu cầu chia hai thì chỉ được 605,5m2 (theo đo đạc thực tế là 1.211m2), việc chia cho nguyên đơn 661,3m2 là vượt quá yêu cầu khởi kiện và vi phạm Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự.


UBND TX.Hồng Ngự xác nhận hộ bà Vương Thị Hạnh được cấp giấy chứng chứng nhận quyền sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật (Ảnh: Tiến Đạt)

Cũng theo Viện KSND tỉnh, theo tờ thuận phân năm 1995 chỉ thể hiện chia các loại cây có trên đất, không thể hiện việc chia đất và nội dung của tờ thuận phân cũng thể hiện cụ thể diện tích đất bao nhiêu và của ai, vị trí đất, số thửa đất…và tờ thuận phân cũng không có giá trị pháp lý. Về nguyên tắc, thì các đồng thừa kế phải thống nhất là di sản của cha mẹ để lại, chưa chia, thì mới xác định quan hệ tránh chấp là tài sản chung, nhưng ở đây bà Hạnh cho rằng đất đang tranh chấp là của bà được cha mẹ cho trước năm 1979 khi cha mẹ còn sống và sử dụng ổn định trên 30 năm.

Việc bà Hạnh được cha mẹ cho đất từ năm 1979 là phù hợp với lời trình bày của các nguyên đơn là ông Phát lên TP.HCM sống trước năm 1975, chỉ còn bà Hạnh, bà Ngôn sống chung với cụ Hoảnh và cụ Hên. Sau đó, cụ Hoảnh và cụ Hên đã cho đất bà Hạnh ngang 24m, chạy dài hết đất; bà Ngôn cũng được cho bề ngang 24m, chạy dài hết đất. Việc cho đất này đã được các con của bà Ngôn thừa nhận và hiện nay đất bà Ngôn được cho thì các con bà Ngôn đã cất nhà ở ổn định nên không có tránh chấp với bà Hạnh. UBND TX.Hồng Ngự (trước đây là UBND huyện Hồng Ngự) có văn bản khẳng định quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hộ bà Hạnh là đúng đối tượng, điều kiện trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, việc phần đất đang tranh chấp thì hộ bà Hạnh đang quản lý, sử dụng từ năm 1979 đến nay liên tục, ổn định, lâu dài trên 30 năm và UBND TX.Hồng Ngự xác định việc cấp GCNQSDĐ cho hộ bà Hạnh đúng pháp luật, thời điểm cấp GCNQSSĐ không có tranh chấp. Do đó, cần phải công nhận diện tích đang tranh chấp cho hộ bà Hạnh được quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

                   Tiến Đạt

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn