Thực hiện bảo hiểm tiền gửi của cá nhân
Cập nhật ngày: 03/12/2012 03:25:24
Luật Bảo hiểm tiền gửi được ban hành, thể chế quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Luật này gồm 7 chương, 39 điều sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013.
Quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi đã đạt một bước tiến trong việc xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi đó chính là Ngân hàng Nhà nước (Khoản 2 Điều 8). Đồng thời, xác định cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước.
Luật quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Tiền gửi không được bảo hiểm là tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó; tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành... (Điều 19).
Việc xác định thời điểm trả tiền bảo hiểm phù hợp thể hiện cam kết của Nhà nước đối với người dân trong việc đảm bảo chi trả ngay lập tức khoản tiền bảo hiểm trong hạn mức bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đổ vỡ nhằm củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, hạn chế hiện tượng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Qua đó, giảm thiểu tình trạng mất khả năng thanh toán của ngân hàng, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng, hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản, hoặc Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định chi nhánh Ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm tiền gửi được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
N.A