Bệnh sốt rét và cách phòng, chống

Cập nhật ngày: 24/06/2019 08:57:03

Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây nên. Bệnh lây truyền theo đường máu, chủ yếu là do muỗi Anopheles truyền, biểu hiện lâm sàng điển hình: rét run, sốt, vã mồ hôi. Bệnh lưu hành địa phương có thể gây thành dịch. Bệnh sốt rét ở Việt Nam lây truyền quanh năm nhưng thường có 1 đến 2 đỉnh mùa truyền bệnh. Bệnh lưu hành ở các tỉnh miền Đông, vùng rừng núi Tây Nguyên, vùng rừng núi phía Bắc, vùng nước lợ ven biển và gần đây có một số người hợp tác lao động ở các nước bạn như Campuchia, Lào, Angola,... mắc sốt rét trở về.

Biểu hiện của bệnh sốt rét

Triệu chứng điển hình của bệnh sốt rét trải qua 3 giai đoạn: rét run, sốt cao, vã mồ hôi, cơn sốt kéo dài từ 2 - 8 giờ. Ngoài cơn sốt, người bệnh trở lại bình thường. Ngoài cơn sốt điển hình còn có các triệu chứng khác đi kèm như: đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa, đau tức vùng gan...

Bệnh sốt rét được chia ra 2 thể lâm sàng:

Sốt rét thể thông thường:

Có cơn sốt điển hình: rét run, sốt, vã mồ hôi.

Cơn sốt không điển hình: sốt không thành cơn, ớn lạnh, gai rét (gặp ở người sống lâu ngày trong vùng sốt rét lưu hành), sốt liên tục hoặc dao động (gặp ở người mắc sốt rét lần đầu, trẻ em.

Thiếu máu, gan to, lách to.

Xét nghiệm bắt được ký sinh trùng sốt rét (KST +) hoặc test nhanh phát hiện kháng nguyên sốt rét (+).

Sốt rét ác tính:

Có biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh nếu điều trị không đúng phác đồ, chậm trễ dễ bị tử vong; thường xảy ra ở những bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng P. falciparum hoặc phối hợp hai loại ký sinh trùng P. falciparum và P. vivax.

Các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính:

- Rối loạn ý thức nhẹ (cuồng sảng, sốt li bì, vật vã).

- Sốt cao liên tục 39,5 - 41oC.

- Rối loạn tiêu hóa: đau bụng cấp, nôn nhiều lần trong ngày, tiêu chảy mất nước.

- Đau đầu dữ dội.

- Thiếu máu nặng: da xanh, niêm mạc nhợt.

- Xét nghiệm mật độ ký sinh trùng trong máu rất cao (P. falciparum ++++ hoặc  100.000 KST/l máu).

Tác nhân gây bệnh

Có 5 loai ký sinh trùng sốt rét gây bệnh sốt rét ở người, trong đó có 4 loài phổ biến là P. falciparum, P. vivax, P. malariae và P. ovale, loài thứ 5 là P. knowlesi - là một loài ký sinh trùng sốt rét của khỉ truyền sang người.

Chu kỳ phát triển ký sinh trùng sốt rét gồm hai giai đoạn: giai đoạn sinh sản vô tính ở cơ thể người và giai đoạn sinh sản hữu tính trong cơ thể muỗi.

Muỗi truyền bệnh và mùa truyền bệnh

Muỗi truyền bệnh sốt rét chính ở Việt Nam là một số loài muỗi Anopheles (muỗi đòn sóc) bao gồm An. minimus, An. dirus và An. epiroticus.

Muỗi An. minimus phát triển mạnh vào đầu và cuối mùa mưa. Do vậy vùng có muỗi An. minimus truyền thì bệnh sốt rét có hai đỉnh vào đầu và cuối mùa mưa. Vùng có muỗi An. dirus thì bệnh sốt rét lan truyền trong suốt mùa mưa. Vùng có muỗi An. epiroticus truyền bệnh sốt rét quanh năm. Thời điểm hiện nay, mùa truyền bệnh có thể thay đổi do hoạt động theo thời vụ của con người, bởi những hoạt động làm tăng giảm sự tiếp xúc với muỗi truyền bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh và lây truyền

Thời gian ủ bệnh trung bình từ 7 - 14 ngày. Trường hợp bệnh sau khi xuất hiện cơn sốt đầu tiên la nguồn lây bệnh, đối với P. falciparum là 7 - 10 ngày, đối với P. vivax, P. malariae và P. ovale từ 2 - 3 ngày, đây là giai đoạn trong máu có giao bào ký sinh trùng sốt rét. Nếu không được điều trị triệt để, ký sinh trùng sot rét có thể tồn tại và lây truyền từ 1 - 3 năm. Muỗi truyền sốt rét nhiễm ký sinh trùng sốt rét sau khi hút máu người có giao bào khoảng 10 ngày có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt đời.

Chẩn đoán xác định ký sinh trùng sốt rét: bằng xét nghiệm lam máu soi kính hiển vi, test chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên, kỹ thuật sinh học phân tử (PCR).

Điều trị bệnh sốt rét: bệnh sốt rét có thuốc điều trị đặc hiệu bao gồm điều trị cắt cơn sốt, điều trị diệt giao bào chống lây lan; điều trị tiệt căn đối với P. vivax và P. ovale. Bệnh sốt rét dễ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tính cảm nhiễm và sức đề kháng: mọi người đều có thể mắc bệnh sốt rét, đồng thời có thể nhiễm một vài loài ký sinh trùng sốt rét. Miễn dịch đối với sốt rét là không bền vững với loài ký sinh trùng sốt rét mắc phải, không có miễn dịch chéo.

Phòng bệnh

Sốt rét chưa có vắc xin phòng bệnh nên tiêu diệt, ngăn cản muỗi đốt bằng phun hóa chất tồn lưu trong nhà, ngủ màn tẩm hóa chất, sử dụng các chất xua muỗi là những biện pháp có hiệu quả. Ngoài ra, có thể sử dụng các bien pháp như: vệ sinh môi trường, biện pháp sinh học để diệt muỗi và bọ gậy; phát hiện sớm, điều trị diệt giao bào, tiệt căn trường hợp bệnh sốt rét bằng primaquin để giảm nguồn lây.

Đối với người dân có đi đến vùng sốt rét lưu hành phải đến Trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố kể cả Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được cấp thuốc mang theo bên người và uống thuốc khi có sốt. Những người có trieu chứng nghi ngờ mắc bệnh sốt rét, nhất là những người sinh sống hoặc có qua lại vùng sốt rét lưu hành cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm máu chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét kịp thời. Điều đặc biet là xét nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét được thực hiện miễn phí tại các cơ sở y tế nhà nước.

Bs. Công Minh/TTKSBT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn