Phòng bệnh dại lây sang người

Cập nhật ngày: 28/08/2018 14:51:36

Bệnh dại là bệnh viêm não cấp tính do vi-rút dại lây truyền từ động vật mắc bệnh sang người khi bị cắn, cào của động vật. Tại Việt Nam bệnh dại lưu hành nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh là chó dại.

Hàng năm, số người chết do mắc bệnh dại từ vài chục đến cả trăm người nên là mối nguy cơ lớn cho cộng đồng. Các chuyên gia nhận định, nếu người bị chó cắn không đi tiêm phòng, khả năng mắc bệnh dại dẫn đến tử vong là rất cao.

Đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp hữu hiệu nhất là triển khai quản lý vật nuôi, tiêm vaccine phòng ngừa và huyết thanh kháng dại cho cả người và vật nuôi.

Đặc điểm của bệnh

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Giai đoạn tiền triệu chứng, thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi-rút xâm nhập.

Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, rối loạn hệ thần kinh thực vật như: tăng tiết nước bọt, đổ mồ hôi, hạ huyết áp... Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.

Chó mắc bệnh dại thường tăng cao vào những mùa nắng nóng. Chó nghi dại thường có các biểu hiện sau:

Thể điên cuồng: các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, chó cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần một tiếng động nhẹ là chó nhảy lên sủa từng hồi dài, dữ tợn. Sau 2 - 3 ngày phát bệnh, chó bỏ nhà đi và thường không trở về, trên đường đi gặp vật gì cũng cắn, gậm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác và cả người. Chó chết do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được.

Thể dại câm: con vật có thể bị bại liệt nữa thân hoặc 2 chân sau, liệt cơ hàm, nước dãi chảy lòng thòng, không cắn, sủa được chỉ gầm gừ trong họng.

Đối với chó con triệu chứng dại thường không điển hình nhưng tất các con chó bị mắc bệnh dại đều chết trong vòng 10 ngày kể từ khi chó có triệu chứng dại đầu tiên. Mèo ít bị mắc bệnh dại hơn chó, tiến triển bệnh như ở chó. Mèo dại hay núp mình vào chỗ vắng hoặc hay kêu, bồn chồn như khi động đực, cắn khi có người chạm vào.

Xử lý vết thương

Rửa vết thương ngay sau khi bi cắn. Ta xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng (dầu gội, dầu tắm...), hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450 – 700  hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi-rút dại nơi vết cắn.

Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương. Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.

 

Thời điểm tiêm phòng dại

Theo hướng dẫn của Cục Y tế Dự phòng, nếu vết cắn khiến da bị xước ở vị trí gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ, đầu các chi), tình trạng súc vật bình thường, người bị cắn cần được tiêm vắc-xin dại. Nếu cùng tình trạng vết thương như trên nhưng vật cắn có triệu chứng dại, kể cả súc vật đã được tiêm phòng thì người bị cắn cần tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin dại.

Trường hợp vết cắn khiến da bị xây xước nhẹ ở vị trí xa thần kinh trung ương và vật cắn có tình trạng bình thường thì sẽ theo dõi con vật. Cùng tình trạng vết thương này nhưng con vật có triệu chứng dại hoặc bệnh thì cần tiêm vắc-xin ngay.

Bệnh nhân có chỉ định tiêm vắc-xin dại ngay trong trường hợp không theo dõi được vật cắn, dù vết cắn và vết xước nhẹ ở vị trí xa thần kinh trung ương. Nếu con vật đã có triệu chứng dại, người bị cắn cần tiêm cả huyết thanh kháng dại và cả vắc xin dại mặc dù vết cắn chỉ là xước nhẹ và ở vị trí xa thần kinh trung ương.

Cục Y tế Dự phòng đặc biệt lưu ý: Các vết thương do súc vật (chó, mèo) cắn ở vị trí gần não, vết thương sâu, bị nhiều vết thương; vết thương vùng đầu chi cần được tiêm cùng lúc huyết thanh kháng dại và vắc xin dại càng sớm càng tốt dù con vật đó có biểu hiện bình thường.

Cách phòng bệnh dại

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Tiêm phòng: Cần tiêm đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn Iốt hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Tiếp đó, cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại và tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Các vết thương do động vật hoang dã cắn cần xử lý và điều trị như đối với động vật bị bệnh dại. Nếu các con vật này được bắt ngay và làm xét nghiệm có kết quả âm tính với bệnh dại thì có thể dừng điều trị dự phòng.

Các vết thương do động vật gậm nhấm, gia súc cắn thì xem xét chỉ định tiêm vắc-xin dại mà không cần tiêm huyết thanh kháng dại. Sử dụng vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại: đường tiêm, lịch tiêm và liều lượng cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép.

NH/TTKSBT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn