Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố

Cập nhật ngày: 06/06/2014 09:34:20

Thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh đồ ăn, thức uống trên các lề đường, hè phố hay tại những điểm công cộng tập trung đông người. Đây là loại hình kinh doanh khá phổ biến hiện nay. Ưu điểm chính của loại thức này là nhanh, gọn và rẻ tiền nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).


Thức ăn đường phố nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, đến tháng 5/2014, toàn tỉnh có trên 3.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố, đa số là kinh doanh nhỏ lẻ và theo thời vụ, vị trí buôn bán không cố định. Các loại thức ăn này thường được chế biến sẵn, mua là có thể sử dụng ngay. Chính vì thế nên nhiều người thích sử dụng thức ăn đường phố hơn so với đi ăn ở các quán ăn vì không phải mất nhiều thời gian và rẻ tiền.

Chị Nguyễn Thị Thu Sương, công nhân ở Khu Công nghiệp Sa Đéc cho biết: “Sáng tôi thường mua thức ăn bán ở lề đường ăn sáng bởi vì giá rẻ và ăn nhanh gọn”. “Tôi hiếm khi ghé quán để ăn sáng vì rất bận, thường là chọn một loại thức ăn nào đó bán trên đường ăn cho nhanh” - Chị Lê Kim Hợp ngụ ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh chia sẻ.

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, lợi ích của thức ăn đường phố là thuận tiện cho người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động nhưng loại thức ăn này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh loại hình kinh doanh thức ăn đường phố trong toàn tỉnh. Nhờ đó loại hình này có bước chuyển biến khá tích cực: người chế biến được tập huấn, cập nhật kiến thức ATVSTP ngày càng tăng; các cơ sở đã quan tâm cải thiện dụng cụ chế biến, phục vụ ăn uống tại các điểm kinh doanh.

Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vẫn còn một số vi phạm phổ biến như: người chế biến chưa khám sức khỏe định kỳ, điểm kinh doanh chưa đủ nước sạch để phục vụ chế biến, nguồn gốc thực phẩm chưa rõ ràng, vẫn còn sử dụng hóa chất phụ gia thực phẩm không đúng quy định; điểm bày bán thức ăn đường phố thường là trên lề đường, trước cổng các khu công nghiệp, bến tàu, xe là những nơi có nhiều khói bụi nên thức ăn đường phố vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra ngộ độc thực phẩm.

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, hiện nay công tác thanh kiểm tra đối với loại hình này đang gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở khá lớn, kinh doanh theo thời vụ, nhỏ lẻ, nhân sự thực hiện công tác thanh kiểm tra còn thiếu, chưa đẩy mạnh việc tái kiểm tra, giám sát khắc phục các vi phạm; việc xử lý hiện nay chủ yếu nhắc nhở, cho làm cam kết.

Dù vậy, Chi cục ATVSTP không ngừng tăng cường kiểm tra chấn chỉnh nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng mất ATVSTP. Bên cạnh quản lí những điểm kinh doanh thức ăn đường phố cố định, những điểm kinh doanh không cố định như: gánh hàng rong, bán thức ăn trên các xe đẩy, Chi cục ATVSTP tỉnh đề ra biện pháp quản lý thêm địa bàn nơi cứ trú của người kinh doanh để cơ quan chức năng tuyến xã theo dõi và quản lý.

Hàng năm, Chi cục ATVSTP tỉnh triển khai kế hoạch giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh để kịp thời cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đến người tiêu dùng.

Ông Huỳnh Thanh Trà - Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh không ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm nào liên quan đến thức ăn đường phố. Tuy nhiên, Chi cục ATVSTP cũng khuyến cáo bà con khi sử dụng thức ăn đường phố nên lưu ý: điểm bày bán thực phẩm cách biệt các nguồn ô nhiễm; thực phẩm được bày bán trong các dụng cụ chứa đựng phải bảo đảm vệ sinh; người bán phải mang khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; người bán không mắc bệnh truyền nhiễm...”.

Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn