Thuốc lá thụ động ảnh hưởng đến trẻ em
Cập nhật ngày: 09/11/2018 09:28:15
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, ước tính có hàng trăm ngàn người thiệt mạng mỗi năm vì những bệnh do hít phải khói thuốc của người khác (hút thuốc thụ động) dù chưa bao giờ hút thuốc.
(ảnh nguồn internet)
Hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cân nặng khi sinh thấp, viêm đường hô hấp cấp tính, bệnh tai giữa và các triệu chứng hen ảnh hưởng xấu đến phát triển chức năng phổi... Ngoài ra, tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có liên quan với hút thuốc lá thụ động cao hơn trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần đối với viêm tai giữa tái phát và 1,4 lần đối với chảy mủ tai mãn tính. Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ.
Đối với trẻ em tiếp xúc lâu dài với khói thuốc lá có nguy cơ cao bị bệnh động mạch vành sớm, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch... khi trưởng thành. Ngoài ra, béo phì, đột quỵ và tiểu đường cũng có liên quan mật thiết đến thuốc lá. Với người trưởng thành, nhất là phụ nữ mang thai, khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân...
Các nghiên cứu cho thấy, khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu.
Trẻ em hít khói thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh ở cả đường hô hấp trên và dưới. Những triệu chứng điển hình thường gặp của các căn bệnh có liên quan đến phổi là cảm lạnh và cúm, ho, có đờm, khó thở, thở khò khè và viêm phổi.
Bên cạnh đó, trẻ còn có khả năng mắc bệnh hen suyễn nếu sống chung với những người hút thuốc lá. Hút thuốc bị động dài ngày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực ở trẻ. Ngoài việc gây ra những biến chứng phức tạp ở phổi, hút thuốc lá thụ động còn làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và làm tăng mức độ nhạy cảm với các bệnh viêm nhiễm ở não.
Trẻ sống chung với người hút thuốc lá sẽ có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn gây ra bệnh viêm màng não hơn. Đây là loại vi khuẩn gây hại cho màng não (những tế bào bao phủ xung quanh não). Khói thuốc lá có thể dẫn đến các chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như hen cấp tính, phổi, bệnh tai giữa, trẻ sinh ra có cân nặng thấp.
Từ những tác hại ảnh hưởng dù trực tiếp hút thuốc hay hút thuốc thụ động đều ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ gây bệnh tật như nhau.
Vì vậy, để có một sức khỏe tốt, một môi trường không thuốc lá chúng ta cần vận động, tuyên truyền đến những người thân xung quanh mình bằng những lời khuyên như: hãy dọn dẹp nhà cửa và ô tô để loại bỏ hoàn toàn khói thuốc còn bám lại; mở toàn bộ cửa sổ để đón không khí trong lành, vứt rác và đồ nội thất bị khói thuốc phá hỏng; máy làm sạch không khí chỉ khử mùi của khói thuốc chứ không thể loại bỏ chúng hoàn toàn; thay tấm lọc không khí trong ô tô nếu bạn hút thuốc trong xe; tấm lọc không khí sẽ lưu lại khói thuốc dư thừa và mùi thuốc sẽ trở nên nồng nặc khi bạn bật máy sưởi hoặc điều hòa.
DH (nguồn internet)