Câu chuyện 6 biết

Cập nhật ngày: 28/07/2016 20:24:28

Dạo này bước vô nhiều cơ quan từ tỉnh đến cấp xã thấy treo cái bảng "6 biết". Đọc kỹ nội dung thì thấy cụ thể rõ ràng như vầy: “Biết chào – biết cười – biết lắng nghe – biết hướng dẫn – biết cám ơn – biết xin lỗi”. Thấy cũng vui. Vậy là giờ mình có cái chuẩn hành động để hằng ngày cán bộ, công chức vào ra nhìn thấy để cùng nhắc nhở nhau thực hiện để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Mà đâu có vậy thôi đâu, hiện nhiều cơ quan đang rục rịch xây dựng bộ quy tắc ứng xử chứ.

Gần đây tỉnh mình đã triển khai dịch vụ chuyển phát hồ sơ thủ tục hành chính qua đường bưu điện đến nhà dân và áp dụng mô hình “3 trong 1” gồm thực hiện khai sinh, nhập hộ khẩu, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trong một thủ tục hành chính qua một lần thực hiện, rồi mô hình "Nụ cười công sở", rồi viết thư xin lỗi khi làm trể, làm sai. Qua những việc làm đó, người dân đã có niềm tin hơn về đội ngũ công bộc của mình. Kết quả là tỉnh mình luôn đứng ở tốp đầu bảng xếp hạng, nào là năng lực cạnh tranh, nào là cải cách hành chính, nào là môi trường sản xuất kinh doanh, nào là ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhưng nói nào ngay, vừa mừng cũng vừa lo. Lo vì ở xứ mình cũng nhiều lần, nhiều nơi đã đưa ra tuyên ngôn này nọ, rồi "đâu vẫn hoàn đấy". Hay mới đầu làm thấy ngon lành lắm, nhưng rồi đuối hơi dần, nhạt nhoà dần. Ông bà mình nói đó là "đánh trống bỏ dùi", là "đầu voi đuôi chuột", là kiểu làm như phong trào, "ai làm sao tôi làm vậy". Hay là tại mấy ông lãnh đạo cấp trên biểu mần thì mình phải mần vậy thôi. Và coi chừng tấm bảng "6 biết" như "lá bùa hộ mệnh" để người đứng đầu có thể bào chữa rằng tui đã làm hết trách nhiệm rồi, tui đã giáo dục công chức rồi, nếu có sai thì hổng phải tại tui.

Thì đó, chuyên mục cải cách hành chính trên báo đài phản ảnh nơi này chỗ kia người dân kêu ca, doanh nghiệp than phiền, đến nỗi dân gian có câu nghe mà đau lòng, "hành chính" có nghĩa là "hành là chính" đó mà.

Lại nữa, người xưa luôn cảnh giác rằng "chiếc áo không làm nên thầy tu". "6 biết" hay còn nhiều điều cần biết và nghiêm túc thực hiện nữa, nhưng có một biết quan trong hơn cả là người công chức phải "biết rằng mình đang được nuôi bởi tiền của người dân". Nói tới nói lui nhiều lần điều này để muốn nói rằng, không ít công chức xứ mình hay nhầm lẫn rằng tui đi làm cho Nhà nước thì tui ăn lương của Nhà nước, tui phục vụ và bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước.

Thì đây, X.Y.X tức là Bác Hồ đã chỉ ra trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc "Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đó là một lẽ rất giản đơn, rõ ràng. Nhưng nhiều cán bộ chưa hiểu, cho nên trong lúc làm việc, thường sai lầm; đến nỗi chia cán bộ Chính phủ và Đảng ra làm một phía, quần chúng ra một phía".

Cũng lại người xưa đã nhắc nhở "Ăn cây nào rào cây nấy" . Chúng ta ăn lương của dân thì phải phục vụ dân. Mà đã là người phục vụ thì phải biết chào hỏi, biết tươi cười, biết lắng nghe để hướng dẫn kỹ lưỡng, biết cám ơn vì người dân đã hợp tác và biết xin lỗi khi minh có sai sót. Mối quan hệ giữa "người phục vụ" và "người được phục vụ" sẽ quyết định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền.

Mà cũng đừng trách mấy vị công chức không thôi. Trước tiên là người đứng đầu phải biết phụng sự nhân viên của mình, phân tích và thuyết phục nội bộ của mình. Người đứng đầu mà không biết cười với công chức của mình thì làm sao công chức biết cười với người dân. Người đứng đầu mà không tôn trọng công chức của mình thì làm sao đòi hỏi công chức biết tôn trọng người dân. Người đứng đầu mà luôn nghĩ rằng mình là luôn đúng, công chức chỉ mỗi việc là theo lệnh mà làm, không được tranh luận, thì làm sao công chức biết xin lỗi người dân.

Sứ mạng đội ngũ công chức là tối ưu hoá tiện ích và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp đến giao dịch hành chính. Mỗi công chức phải "biết đặt mình vào vị trí của người" khi đến giao dịch với cơ quan, đơn vị của mình. Người dân và doanh nghiệp có quyền đòi hỏi được bộ máy công quyền thực thi đúng chức phận, không đùn đẩy, không được đòi hỏi những gì mà luật pháp không yêu cầu, không cho phép và với thời hạn đúng quy định. Người đến giao dịch không bị mất thời gian vì đi tới đi lui nhiều lần, bổ sung giấy tờ này văn tự kia.

Công chức nào cũng biết đến đến "8 giờ vàng ngọc", nhưng đối với người dân, doanh nghiệp thời gian còn quý giá hơn nhiều lần. Đó là mùa vụ của bác nông dân, là thời gian mua bán của chị tiểu thương, là thời gian làm việc của thầy cô giáo, bác sĩ, là chuyện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Người ta gọi đó là chi phí cơ hội. Mất thời gian do sự quan liêu, tắc trách, đùn đẩy, tiền hậu bất nhất là người dân, doanh nghiệp mất đi một cơ hội, và quan trọng hơn là mất lòng tin vào một hệ thống luôn hô hào khẩu hiệu "Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân". "Mọi sự tiết kiệm suy cho cùng đều là tiết kiệm về thời gian". Ông Các Mác đã tổng kết như vậy đó!

Chỉ khi nào người công chức cảm thấy hạnh phúc khi hiểu rằng mình đã giúp cho một ngôi nhà sớm được mọc lên, một nhà máy đi vào hoạt động với biết bao việc làm cho bà con mình, tiêu thụ nông sản cho nông dân của mình, các đối tượng xã hội được nhận đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh của Chính phủ... thì "6 biết"  mới thật sự thành công.

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn