Chuyện nhỏ xíu như nhà vệ sinh

Cập nhật ngày: 27/05/2016 05:52:28

Nếu hỏi ai đó đi đâu mà nhận được câu trả lời rằng, đi “làm cái việc mà không ai làm thay thế được” thì y như rằng là ám chỉ việc đi vệ sinh. Vậy đó, vệ sinh là một nhu cầu tự thân, bắt buộc của con người.

Chính vì vậy, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, bà con hay phàn nàn về tình trạng các nhà vệ sinh trong trường học vừa thiếu, vừa dơ bẩn gây khó khăn và ảnh hưởng không tốt đến môi trường và sức khỏe của học sinh, giáo viên. Tình trạng này không mới, đã có chủ trương chấn chỉnh từ lâu, hổng biết hiện nay đã cải thiện được ra sao? Đối với ngành Giáo dục, bất kỳ chỗ nào cũng khơi gợi đến mục tiêu giáo dục nhân cách con người. Ngoài học chữ, học sinh còn học được nét văn minh, ứng xử văn hóa, học được tinh thần yêu quý môi trường sống quanh mình. Mỗi gốc cây, thảm cỏ, bồn hoa đều giúp cho học sinh cảm nhận được thế nào là cái đẹp, cái thân thiện, sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Vậy đó, nhà vệ sinh cũng phải là một phần trong việc giáo dục, ngoài phục vụ nhu cầu sinh lý không thể thiếu của con người.

Mà đâu chỉ là nhà vệ sinh trong trường học. Đi một vòng tiếp xúc cử tri, nơi thì ở Trung tâm Học tập Cộng đồng, nơi thì ở các trụ sở Ủy ban nhân dân xã, lại chứng kiến nhiều nhà vệ sinh nhưng rất mất vệ sinh: Cáu bẩn từ dưới nền lên trên tường, xộc xệch từ cái chậu rửa đến cái bàn cầu. Chỗ này thì cái xô bể, chỗ kia thì vòi nước gãy gọng. Giấy vệ sinh từ trong giỏ tràn ra ngoài, nhét vào hốc này, kẹt kia, thậm chí là vứt tứ tung dưới nền. Rồi nước đọng, rồi đất cát vương vãi... Hay là thói quen gùi tờ giấy báo đi ra đồng vẫn còn lưu luyến đâu đây.

Ông bà mình thường nói “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” kia mà. Khách khứa đến, chúng ta lo từ món ăn đến thức uống, chăm chút từ lọ hoa trên bàn, đến khẩu hiệu chào mừng. Lo vậy tưởng rằng đã đủ, đã tươm tất, nhưng lại quên đi một chỗ quá ư quan trọng là chỗ để tiêu hóa đồ ăn, thức uống đó. Khách ở xa đến, bà con mình ở quê ra, đi đường xa thì nhu cầu đầu tiên là phải làm một cái việc mà không ai có thể thay thế - đó là đi vệ sinh. Chúng ta phải chuẩn bị khu vệ sinh thật sạch sẽ và chủ động hướng dẫn khách lối dẫn đến chỗ nhà vệ sinh. Đó là sự tôn trọng khách và cũng thể hiện lòng hiếu khách của mình.

Sẽ có người nói ngân sách cấp xã hạn hẹp quá, làm sao duy tu, giữ gìn nỗi? Không nên đổ thừa, không nên ngụy biện! Thì đó, cũng với hạn mức kinh phí như nhau, sao có nơi sạch sẽ, chỉn chu, có nơi lại lượm thượm? Chỉ là ý thức, chỉ là sự dễ dãi với nhau cả thôi! “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” kia mà! Quan trọng hơn cả là mình xem cơ quan chỉ là chỗ tạm trú qua ngày, chứ chưa xem như là ngôi nhà của chính mình. Cán bộ, công chức, viên chức văn phòng, cán bộ đoàn thể, công an xã, dân phòng đâu rồi? Mỗi ngày, mỗi người hãy cùng một tay - một chân, cùng nhau làm sạch nơi cần làm sạch như cái tên của chính nó. Đừng để tư duy, phong cách tiểu nông cứ đeo bám mãi trong từng cơ quan đơn vị.

Xin kể câu chuyện bản thân đã từng chứng kiến: Trong chuyến thăm Tập đoàn Mỹ Lan (tỉnh Trà Vinh), Xích Lô và quan khách đã tấm tắc khen... nhà vệ sinh, không chỉ nhà vệ sinh của khối văn phòng, mà của cả các phân xưởng của công nhân đều sạch, đẹp như... khách sạn bốn, năm sao. Ở đây có nội quy sử dụng các vật dụng không để nước tung tóe, người đi trước có trách nhiệm vệ sinh sạch sẽ mọi thứ để cho người đi sau sử dụng. Công nhân viên của Tập đoàn đa phần xuất thân từ nông dân, sau một thời gian làm việc ở Mỹ Lan, họ đã lan tỏa văn hóa này ra chung quanh. Ông Chủ tịch Doanh nghiệp cho biết khi đi du lịch, công nhân của Ông sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng cũng giữ vệ sinh, cũng lau la-va-bô sạch sẽ trước khi rời đi. Thật là đáng ngưỡng mộ!

Vậy đó, đừng xem chuyện vệ sinh trong các nhà vệ sinh là chuyện nhỏ. Chuyện lớn đó! Từ sự sạch sẽ đến sự ngăn nắp trong phòng làm việc. Từ trong nhà vệ sinh ra đến mảnh sân, từ hàng rào đến khuôn viên. Từ hình thức bên ngoài đến chất lượng công việc bên trong. Khách đến giao dịch với chính quyền, doanh nghiệp đến tìm cơ hội hợp tác đầu tư, mà nhìn thấy nhà vệ sinh dơ bẩn, phòng làm việc đầy bụi bặm, mạng nhện giăng đầy, thấy giấy tờ, hồ sơ, sách báo cũ ngổn ngang, chắc là ngao ngán lắm. Họ sẽ có chung cảm nghĩ: “Nội có một khuôn viên nhỏ xíu mà các anh sắp xếp không xong, không chu đáo thì làm sao chúng tôi tin rằng các anh có thể mần những chuyện to tát hơn?”.

Đâu đâu cũng thấy giăng đầy khẩu hiệu “Chung tay giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp”, hoành tráng hơn nữa là “Hãy chung tay góp sức giữ gìn Trái đất này”. Đừng để khẩu hiệu chỉ là khẩu hiệu! Đừng để “Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì quáng!”. “Công sở văn hóa” bắt đầu từ những chuyện tưởng chừng nhỏ, rất nhỏ.

Hãy hành động, hãy mần từ “chuyện nhỏ như cái nhà vệ sinh”. Hãy cầm xô, cầm chổi lên hành động!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn