Câu chuyện “cho và nhận”

Cập nhật ngày: 30/06/2017 14:07:48

Gần đây, Đồng Tháp mình bắt đầu nhộn nhịp hơn với nhiều sự kiện diễn ra, với nhiều đoàn ra, đoàn vào. Nói như nhiều người là: Đất Sen hồng của chúng ta đã dần vượt qua lời nguyền "khuất nẻo" rồi!

Nào là, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lui tới tìm hiểu cơ hội hợp tác, mần ăn. Nào là, các doanh nghiệp bắt đầu hiểu ra triết lý "buôn có bạn, bán có phường" nên tự nguyện liên kết lại thành các hiệp hội ngành nghề, các câu lạc bộ. Nào là, những người nông dân đã vượt qua tâm lý "đèn nhà ai nấy rạng" để hoà nhập vào "không gian cộng đồng" là các hội quán,...  Nào là, các đoàn địa phương khác đến tìm hiểu, chia sẻ về kinh nghiệm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, kết quả cải cách hành chính, định hướng kiến tạo môi trường kinh doanh... Nào là, khách du lịch đến càng ngày càng nhiều hơn. Nào là, nhiều nhóm thiện nguyện hoạt động một cách âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy hiệu quả. Nào là, nhiều nhóm chuyên gia đến làm việc, tổ chức toạ đàm, hội thảo, để giúp tháo ra những nút thắt, định hình rõ hơn những hướng đi trong ngắn hạn và cho dài hạn. Nào là, "tinh thần khởi nghiệp" đã làm bật lên nhiều ý tưởng tưởng chừng bị kìm nén đã lâu, nay có dịp bùng phát.

Sự kiện nối tiếp sự kiện. Xã hội nhộn nhịp hơn. Những giá trị cốt lõi, hay nói cách khác, phía sau những hoạt động đó là sự chung tay của nhiều nhóm xã hội, của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học... đến từ trong và ngoài Tỉnh. Nó cho thấy sức mạnh của xã hội, sức mạnh từ bên ngoài đã phát huy tác dụng, một khi chúng ta biết kết nối và kết nối bằng sự chân thành, bằng sự cầu thị. Thì đó, hãy cảm nhận sự háo hức của những chuyên gia đến giúp cho chúng ta nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích, tận tâm chia sẻ những giá trị mà không hề vụ lợi. Đúng là, có thể không có những khoản đầu tư lớn, nhưng chính những ý tưởng, kiến thức là những giá trị vô hình mà chúng ta nhận được mới là cái đáng quý, đáng trân trọng, và nếu được sự cộng hưởng bằng lòng khát vọng của chính chúng ta thì sẽ biến thành nguồn lực hữu hình giúp mang lại giá trị to lớn trong tương lai.

Đội ngũ chuyên gia, nhà tư vấn đó đều là những người đã tích luỹ nhiều kiến thức, đã trải nghiệm từ trong thực tiễn, từ lý thuyết hàn lâm đến những phát hiện tinh tế trong cuộc sống với nhiều va đập. Họ đến, chia sẻ những câu chuyện đầy thú vị có thể định vị lại chúng ta trong việc hoạch định những hướng đi mới. Họ đến giúp phát hiện ra những tiềm năng của chúng ta và chỉ cách để chúng ta đánh thức tiềm năng đó và biến thành những giá trị hữu ích. Họ đến tìm kiếm giúp chúng ta những nhân tố còn lẩn khuất đâu đó, kết nối họ lại, truyền cho họ lòng đam mê, sự khát vọng. Họ đến với chúng ta với tâm thế và trái tim chân thành của những người bạn, như những "người nhà", không hề cao giọng, không hề kẻ cả. Một khi chúng ta biết hiểu được những giá trị của kiến thức và những tình cảm đẹp đẽ đó, chúng ta mới trân trọng những gì các chuyên gia và xã hội mang đến cho chúng ta.

Vì sao họ đến và đến một cách nhiệt thành như vậy? "Cho đi chính là nhận lại" - Triết lý ngàn đời là vậy! Biết trân trọng những giá trị người khác mang đến thì sẽ nhận được trọn vẹn những gì họ trao cho chúng ta. Sự có mặt đúng lúc, một lời cám ơn chân tình, một bức mail, một cuộc gọi điện thoại... có thể là những sợi dây kết nối giữa người với người với nhau. Thời đại ngày nay là thời đại của những liên kết. Có người nói như vầy: "Câu chuyện lãng mạn của một người lặng lẽ ngồi trong bóng tối để nghĩ đến chuyện một ngày thay đổi cả thế giới không được chấp nhận ở không gian này".

Vậy đó, chúng ta không còn cô độc trên đường tìm kiếm sự thay đổi để phát triển. Vì vậy, chúng ta đừng nên tự cô lập mình, đừng tự quây một rào chắn chung quanh mình. Trong lúc những gì họ mang đến đang góp phần thổi bùng ngọn lửa đổi mới, đang được "người của chúng ta" đón nhận một cách trân trọng thì không ít người trong bộ máy dường như không nghĩ như vậy. Một lãnh đạo Tỉnh đầy trăn trở và thất vọng trong một sự kiện "khởi nghiệp" gần đây: "Nhiều cán bộ của mình tham dự các sự kiện, các lớp chuyên đề hình như rất gượng ép, thiếu tập trung, trong khi đó ngược lại, các em dự rất hưng phấn". Nghe có vị đăng đắng trong lòng. Làm lãnh đạo mà thờ ơ, không tập trung thì làm sao kích hoạt được sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp và chắc chắn sẽ kiềm hãm sự phát triển của xã hội.

Hình như đối với một số người tự cho rằng kiến thức mình là đã đủ, sự hiểu biết mình là đã đầy? Hay là, chúng ta còn những việc quan trọng hơn? Hoặc là chúng ta đang tìm kiếm những gì cao xa hơn? Hay chúng ta mang trong mình tâm thế của người đi "dạy người khác" chứ không phải là người "đi học người khác"? Vậy, Nghị quyết về "xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời" của Đảng tồn tại ở đâu trong mỗi cán bộ chúng ta? Hay là, chuyện học tập chỉ dành cho "xã hội", còn người lãnh đạo thì đương nhiên được "miễn trừ"? Kiến thức của nhân loại là vô hạn, kiến thức trong mỗi chúng ta là hữu hạn. Thiệt vui khi được nghe nhiều lãnh đạo tỉnh, huyện sau khi dự một lớp chuyên đề cập nhật kiến thức về hợp tác xã trần tình: "Thiệt tình, nghe ông chuyên gia nói rồi mới thấy mình còn dốt, chưa hiểu gì về hợp tác xã hết". Hay quá, chân tình quá! Một khi tự biết kiến thức của mình còn yếu, còn thiếu thì mới ham học. Ông bà mình đã tổng kết "Càng học càng thấy dốt" chắc là vậy! Có người còn nói rằng thành công là nhận ra những gì bạn biết chỉ là hạt cát trong biển khơi, thất bại là nghĩ bầu trời trên miệng giếng là cả thế giới.

"Muốn trở thành đại bàng thì phải sống gần gũi với đại bàng" - Đó là lời của một chuyên gia đến chia sẻ về khởi nghiệp. Chỉ một khi đội ngũ lãnh đạo muốn trở thành "đại bàng", khi ấy, tất cả chúng ta mới hăm hở, hào hứng tham gia vào các sự kiện đang và sẽ diễn ra.

"Nhân" và "quả"! Cho đi chính là nhận lại, đơn giản vậy thôi!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn