Câu chuyện giàu nghèo

Cập nhật ngày: 25/02/2019 10:09:10

Trong ngày mừng thọ một ông tỉ phú nọ, có người hỏi vì sao ông là người giàu có mà cuộc sống bình dân, giản dị, trong khi con trai ông thì lại hoang phí. Ông từ tốn trả lời, “đơn giản thôi, tại vì cha của nó là một doanh nhân giàu có, còn cha của tôi là một nông dân nghèo khổ”.


Nhiều nông dân Đồng Tháp quyết tâm vươn lên làm giàu trên chính đồng ruộng quê hương (ảnh minh họa). Ảnh N.An

Câu chuyện có nhiều suy ngẫm về những đứa con “phá gia chi tử”, “cha làm thầy, con đốt sách”. Tuy nhiên, còn một góc suy nghĩ khác, đó là câu chuyện “giàu-nghèo”.

Ông tỉ phú giàu có trong khi cha ông lại là một nông dân nghèo khổ. Vậy, sự giàu có của ông đâu phải nhờ “của để dành” từ cha, mà tài sản có được từ đôi bàn tay và khối óc của chính ông tạo dựng. Trong cuộc đời mỗi người đôi khi cũng gặp một phần may mắn, có thể thông minh hơn người khác một chút, nhưng đó không phải là tất cả để thành công, giàu có.

Chính tinh thần không cam chịu, không đổ thừa cho số phận, không biện minh cho thất bại, luôn tự tin vượt qua nghịch cảnh đã giúp người con của một nông dân nghèo trở thành tỉ phú.

Ngay trên quê hương xứ sở của mình có rất nhiều doanh nhân giàu có hôm nay cũng xuất thân từ người nông dân nghèo khó ngày trước. Họ cũng từng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cũng “dãi nắng dầm sương”, đôi khi “lên bờ xuống ruộng”. Nhưng rồi họ vượt lên nhờ vào ý chí mạnh mẽ.

Điều đó rất khác biệt với nhiều người hay đổ thừa cho số phận, lấy hết lý do này đến nguyên nhân khác để biện minh cho cái nghèo. Nào là, nhà cửa thì “thiếu trước hụt sau, nay ốm mai đau”, con cái học hành “hổng tới nơi tới chốn”. Còn nhìn sang hàng xóm của tui mà xem, họ giàu có, khỏe mạnh, con cái học hành đàng hoàng. Vậy thì, tui nghèo là phải rồi, bao nhiêu vận may đến hết với người ta, họ còn may mắn, nhờ vào trời cho...

Trong mỗi địa phương, đất nước - là tập hợp nhiều con người - đôi khi cũng vậy. Nhiều người ra nước ngoài thấy người ta văn minh, hạ tầng hiện đại, thì cho rằng “nhờ họ giàu có mới xây dựng được như vậy”. Mình mà có tiền nhiều như họ thì cũng “đường dưới thấp đường trên cao, cũng xe trên mặt đất, xe trên cao, xe ngầm dưới đất”. Người ta “có tiền thì mua tiên cũng được”, mình còn nghèo, còn khó, mà “cái khó thì bó cái khôn”. Nhưng có lẽ cũng cần suy ngẫm sâu hơn nữa xem trong cả chặng đường lịch sử của họ. Suy ngẫm và lý giải vì sao họ giàu có hay trở nên giàu có.

Giống như ông tỉ phú giàu là con của người cha nghèo, nhiều quốc gia thịnh vượng ngày nay cũng là những vùng đất đầy khó khăn ngày xưa. Thiên nhiên khắc nghiệt với bão lũ, sóng thần, động đất, núi lửa phun... Đất đai khô cằn, tài nguyên không có gì. Vậy là “thiên của họ đâu có thời, địa của họ đâu có lợi”? Sự giàu có chắc chắn có được bằng “nhân hòa - yếu tố con người”! Phải chăng, ý chí vượt lên nghịch cảnh trong mỗi con người để hợp thành khát vọng địa phương, khát vọng dân tộc góp phần tạo nên nhân hòa?

Đi học ở một đất nước chỉ mới hơn 50 năm lập quốc, nghe họ kể về hành trình của họ từ buổi đầu sơ khai, và đến hôm nay đã là một cường quốc kinh tế, có thêm nhiều điều suy ngẫm. Đất nước nhỏ bé, dân số ít ỏi, dưới lòng đất không có quặng mỏ, giếng dầu, nên họ xác định muốn phát triển và phát triển vượt bậc phải “khơi gợi khát vọng vươn lên của từng người dân để có một khát vọng chung cho cả đất nước”. Họ xác định muốn vượt lên thiên hạ thì phải đi trước về phát triển giáo dục để tạo nền tảng có được kinh tế tri thức.

Nhờ tầm nhìn từ mấy mươi năm trước, giờ đây đất nước họ có một nền giáo dục tiên tiến, nền kinh tế tri thức hàng đầu trên thế giới. Tầm nhìn của họ luôn đặt ra viễn cảnh từ 30 năm, thậm chí 50 năm sau. Họ đã trở thành một “đất nước sáng tạo”, “quốc gia thông minh”, kết nối toàn cầu bằng giáo dục, văn hóa và tri thức. Nhưng họ vẫn không tự bằng lòng và luôn xác định những thách thức phía trước khi đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phải chăng họ giàu có là nhờ không bao giờ tự bằng lòng với chính mình, luôn nhận ra thách thức và chuẩn bị hành trình vượt qua thách thức?

Vậy khi nhìn người ta giàu có thì mình cũng cần tìm hiểu vì sao họ giàu có. Tìm hiểu để học hỏi, để biết cách rút ngắn khoảng cách giữa mình với họ. Nếu tiếp tục “tại vì tôi vậy”, “tại vì họ vậy” để biện minh thì sẽ mãi tiếp tục đi sau! Chúng ta đang tiến lên thì thiên hạ cũng tiến lên bằng những nền tảng vững chắc, bằng sự nối kết khát vọng, bằng cách tự đẩy mình đi lên trước trong mỗi con người và lớn hơn là cả một địa phương, một đất nước.

Lê Minh Hoan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn