Câu chuyện “thương lái”

Cập nhật ngày: 23/04/2018 10:57:00

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018042305132023-4 CAU CHUYEN THUONG L_AI.mp3
Rảo một vòng tiếp xúc bà con nông dân, luôn nhận được nhiều lời ta thán về mấy ông “thương lái”. Nào là ép giá nông dân, muốn định giá nông sản thế nào thì định. Nào là bội tín, bỏ luôn tiền cọc, để nông sản chín rục trên đồng, trong vườn. Mà đâu phải chỉ người nông dân bức xúc, câu chuyện “thương lái” còn vào nghị trường, lên các phương tiện truyền thông. Tóm lại là “trăm dâu đổ đầu... thương lái”. Hết thương lái nội rồi đến thương lái ngoại. Vậy thì, nhìn nhận hình bóng đội ngũ thương lái như thế nào đây? Không khéo bà con nói lại “bênh vực” thương lái nữa…


Thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng. Ảnh: T.NG

Hãy nhìn lại sự manh mún trong nền nông nghiệp của mình. Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đất đai nông nghiệp lớn nhất cả nước, mà bình quân vẫn chỉ có 0,14 ha mỗi nông dân. Diện tích đã nhỏ như vậy mà mỗi hộ lại sản xuất mỗi kiểu, mỗi quy trình, mỗi chủng loại. Rồi sử dụng phân thuốc khác nhau dẫn đến chất lượng, độ đồng đều nông sản khác nhau. Thời gian thu hoạch khác nhau thì lượng hàng hoá cùng thời điểm ít. Như vậy làm sao doanh nghiệp đến liên kết bền vững được? Bà con mình mong muốn không bán qua nhiều tầng nấc trung gian mà làm sao liên kết tiêu thụ trực tiếp với doanh nghiệp, nhưng phương thức sản xuất như hiện nay thì suy cho cùng: chỉ bán được cho thương lái mà thôi!

Doanh nghiệp cần sự liên kết dài hạn nhưng cách sản xuất của nông dân thì chỉ nghĩ tới ngắn hạn. Vụ trước giống này vụ sau lại giống khác. Doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng đồng đều, còn nông dân sản xuất mùa trước đạt yêu cầu, mùa sau lại không đạt. Doanh nghiệp cần sản lượng rải đều quanh năm, còn nông dân sản xuất khi thì thừa mứa, lúc lại không có hàng. Vậy phải chăng, đội ngũ thương lái chính là những người trung gian để gom đủ lượng hàng hoá rồi cung cấp cho doanh nghiệp? Vậy phải chăng, đội ngũ thương lái là người giúp phân loại những nông sản ra để cung cấp cho từng đối tác theo đúng yêu cầu khác nhau. Loại thì bán cho nhà xuất khẩu. Loại thì bán nội địa, nội tỉnh. Loại thì bán thô. Loại thì bán cho doanh nghiệp chế biến. Loại thì đưa vào kệ hàng siêu thị với đòi hỏi cao. Loại thì bán cho các chợ truyền thống...

Doanh nghiệp, suy cho cùng là tìm kiếm lợi nhuận. Họ phải tính toán thật chi li sao cho tối đa hoá lợi nhuận. Thông qua đội ngũ thương lái, doanh nghiệp có thể chia nhỏ đồng vốn thu mua cho thương lái, tận dụng phương tiện vận chuyển, kho bãi của thương lái. Thông qua đội ngũ thương lái, doanh nghiệp tận dụng được kinh nghiệm và mối quan hệ qua lại với những người nông dân nằm rải rác trên các thửa ruộng, mảnh vườn nhỏ lẻ, phân tán.

Như vậy, để nông sản đến được thị trường, đội ngũ thương lái là chiếc cầu nối không thể thiếu trong một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Chỉ khi nào tiến đến một nền sản xuất hàng hoá đủ lớn, vai trò thương lái mới chấm dứt hoặc chuyển đổi sang hình thức khác. Khi đó, những người nông dân tham gia vào các hợp tác xã, ngoài sản xuất thì có thêm những dịch vụ tín dụng, vận chuyển, phân loại, bảo quản, chế biến - những dịch vụ mà hiện nay do thương lái và doanh nghiệp đảm nhiệm.

Nghe người nông dân nói được mùa thì bị thương lái ép giá nghe thật xúc động. Lâu lâu trên báo, đài cũng nói như vậy mà. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui hình như có gì hổng được lô-gic thì phải. Nếu tất cả thương lái bụng dạ đều xấu như vậy thì đâu phải chờ đến khi được mùa thì họ mới ép giá, khi thất mùa họ cũng ép giá luôn, quyền lực trong tay họ mà. Như vậy mới thấy quy luật cung cầu nó huyền ảo như thế nào.

Nếu chưa nắm bắt được quy luật cung cầu của nền kinh tế, cứ “trăm dâu đổ đầu… thương lái” thì không giúp ích được gì, mà lại tạo ra hố ngăn cách giữa người nông dân và thị trường. Thương lái cũng chịu nhiều rủi ro, sóng gió trên thương trường như bao người nông dân phải bỏ mặc nông sản trên đồng, trong vườn vậy. Vậy, thay vì ngồi đó mà chỉ trích thương lái thì tại sao không tập hợp họ lại, hỗ trợ họ kiến thức pháp luật, nguồn lực nhất định, qua đó hướng họ đi theo đúng quỹ đạo của một nền nông nghiệp mới - một nền nông nghiệp đang được tái cơ cấu.

Có ai đó đúc kết rằng: “Cái gì tồn tại mà tồn tại một cách lâu dài thì cũng có những điều hợp lý gì đó, đáp ứng cho một nhu cầu gì đó”. Một khi hai bên còn mối quan hệ biện chứng, chúng ta, những nhà lãnh đạo, quản lý, phải có trách nhiệm làm hài hoà mối quan hệ giữa hai thực thể - thương lái và người nông dân!

“Thương lái” hay “Thương nhân” tuỳ thuộc vào cách mà chúng ta ứng xử và hành động!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn