Câu chuyện cái cà vạt

Cập nhật ngày: 31/01/2018 15:52:24

Chắc chắn rằng, cà vạt là cái được du nhập từ phương Tây. Hổng lẻ quốc phục xứ mình là "áo dài, khăn đóng" mà "trồng" cái cà vạt lên coi sao được? Vì được du nhập nên dân "Hai lúa" xứ mình ít khi nào sử dụng, trừ khi có dịp gì đó trọng đại lắm! Thì đó, hễ cứ gặp ai đó thắt cái cà vạt là nghĩ ngay đến việc đi lễ hội hoặc đi ăn cưới, ăn hỏi gì đó thôi. Vậy mà, có anh bạn lại khoái thắt nó. Mà đâu chỉ có khoái thôi, ảnh còn đề nghị viết một bài về câu chuyện đó nữa. Mà cái cà vạt đó đâu có phải là hàng hiệu này, hiệu nọ của nước này, nước kia đâu! Nó là hàng thủ công sử dụng chất liệu từ cái khăn rằn quê mình... Có người còn gọi nó là chiếc khăn choàng tắm, một biểu tượng của người Nam bộ.

Số là, có một bạn trẻ lớn lên cùng với tiếng rầm rập của những khung cửi dệt thủ công những chiếc khăn rằn đơn sơ của một làng nghề có từ trăm năm trước - làng Long Khánh, huyện Hồng Ngự. Chiếc khăn mộc mạc vậy nhưng đã bầu bạn với những người du kích trong các cuộc trường chinh. Chiếc khăn đơn sơ vậy mà đã theo những người nông dân ra khắp đồng, đi khắp ruộng. Nhưng rồi, cũng như nhiều nghề truyền thống khác, nghề dệt khăn choàng bị lâm vào mai một, sản phẩm này ngày càng gặp nhiều khó khăn khi thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, "sính mác" hàng ngoại để rồi quên đi những sản phẩm gắn bó bao đời. Và, chiếc khăn rằn chỉ còn bán cho người nghèo sử dụng. Và, người làm nghề cũng nghèo theo.

Vậy mà, cô bạn trẻ ấy nhìn ra giá trị chiếc khăn bình dị đó, nghiên cứu thay đổi chất liệu và cách dệt, rồi thiết kế ra nhiều loại màu sắc sinh động, bắt mắt. Và rồi, những chiếc khăn cách tân đó trở thành sản phẩm du lịch địa phương, được du khách lựa chọn như một món quà ưa thích. Vậy là từ đây, những chiếc khăn đã toả đi muôn phương. Chưa hết, bạn đó còn dùng chất liệu ấy, tạo ra chiếc áo dài, bộ đồ công sở, chiếc ví xinh xinh, quần áo trẻ con... . Một trong những sáng tạo đó chính là chiếc cà vạt mà anh bạn đeo một cách rất tự hào. Cái cà vạt đó chắc chắn làm sao sánh được với hàng chính hiệu nhưng ẩn chứa bên trong nó là ý tưởng sáng tạo và khát vọng quảng bá sản phẩm địa phương của cô bạn trẻ đã được trao giải thưởng trong một Cuộc thi khởi nghiệp.

"Quê hương mỗi người chỉ một…" Và, mỗi người yêu quê hương theo cách riêng của mình. Cô bạn trẻ yêu cái làng quê Long Khánh, yêu những nỗi vất vả của hàng trăm người làm nghề dệt nên cho đời những chiếc khăn. Cô ấy yêu và mong muốn sản phẩm của làng quê này phải được nhiều người biết đến. Cô ấy muốn chứng minh rằng, từ những sản phẩm rất bình dị nhưng biết chăm chút, thổi vào đó những ý tưởng sáng tạo thì sẽ tăng giá trị lên nhiều lần. Vậy là, bà con Làng nghề cũng sẽ tăng thu nhập lên nhiều lần, diện mạo Làng nghề sẽ đổi thay,…

Còn anh bạn của tôi lại yêu quê hương theo cách khác: Đó là tự hào khi sử dụng sản phẩm của quê hương, mà nhất là sản phẩm đó được tạo ra từ những bạn trẻ khởi nghiệp! Có lẽ, ảnh mong muốn rằng, bản thân mình cũng góp phần quảng bá cho một sản phẩm địa phương, được làm ra từ những đôi tay, khối óc của người địa phương. Có gì to tát đâu? Yêu quê hương, yêu đất nước có khi từ những điều nhỏ nhắn như vậy thôi!

Coi trong một quyển sách thấy người ta rút ra nguyên nhân làm cho một đất nước gần 50 năm trước rất nghèo khó nay đã hoá rồng, đó chính là tinh thần dân tộc. Ở đó, mỗi người trong xã hội được ngầm phân công một hoặc một vài nhiệm vụ cụ thể, ai đi học thì phải học chăm chỉ, ai sản xuất thì sản xuất cho tốt, ai bán hàng thì phải bán cho được hàng, ai tiêu dùng thì phải mua đồ của đất nước mình. Họ hiểu rằng, sản phẩm trong nước có thể không đẹp, không sang, không chất lượng bằng sản phẩm ngoại nhưng ẩn đằng sau đó là công ăn, việc làm, là giá trị lao động của người dân quê hương mình. Đối với họ, nghĩa vụ đối với Tổ quốc chỉ có vậy thôi, luôn cống hiến, không dòm ngó, không chỉ trích!

Chính phủ đang xây dựng chương trình "Quốc gia khởi nghiệp". Như nhiều quốc gia đi trước đã thành công, khởi nghiệp cần đến một hệ sinh thái khởi nghiệp. Và, hệ sinh thái đó không thể thiếu những người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm khởi nghiệp. Từ ý tưởng và hành động của cô bạn trẻ và của anh bạn, lòng bổng bâng khuâng một khúc ca: "Khăn rằn nặng lòng chung thủy/Quàng khăn thêm chan chứa nghĩa tình".

Tết này, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khi mua quà biếu tặng, hãy nhớ ủng hộ hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp của Đất Sen hồng mình nhé!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn