Câu chuyện “Xây dựng để dựng xây”

Cập nhật ngày: 20/03/2018 06:33:47

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018032007492819-3 XAY DUNG DE DUNG XAY.mp3

Nghị quyết mình ban hành nhiều rồi nhưng trong công tác chuẩn bị thực hiện đôi khi lại chưa đồng bộ, hiệu quả. Thì đó, mới đầu coi bộ rầm rộ lắm, nào là “nghị quyết cấp dưới” thực hiện “nghị quyết cấp trên”, nào là cấp ủy này ban hành “chương trình hành động” đến cấp ủy kia ra đời “kế hoạch thực hiện”. Rồi nào là “cả hệ thống chính trị phải vào cuộc”. Rồi tổ chức thực hiện, rồi kiểm tra, rồi giám sát. Rồi định kỳ sơ kết, tổng kết. Nhưng hình như chỗ này “đánh trống” thì nơi kia “bỏ dùi”, nhạt nhòa dần. Vậy mới có lúc giật mình, ờ... ờ, ờ... hình như có cái nghị quyết đó!?! Phải vậy không khi có chủ trương sơ kết, tổng kết thì không ít ngành, địa phương mới “tá hỏa” đi xin nghị quyết, chương trình để “về viết báo cáo”?!?

Trong các trường lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, lý luận..., cán bộ, đảng viên nào mà không từng học về công tác xây dựng Đảng có tầm quan trọng như thế nào? Rồi vai trò, vị trí của công tác cán bộ quyết định như thế nào? Và chắc mỗi người chúng ta đều thuộc nằm lòng những lời dạy của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; hay là: “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”... Nhưng “học” là một chuyện, trả bài, thi cử, viết thu hoạch là một chuyện, còn “hành” đôi khi lại là chuyện khác. Hay là, như ông bà mình nói “học một đằng, làm một nẻo”? Vậy mới có chuyện Đảng ban hành Nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở hai khóa liên tục. Vậy mới có chuyện năm này sang năm khác, hết chuyên đề này đến chuyên đề khác để “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nghị quyết nào thì nghị quyết, học tập cách nào thì học tập, nhưng phải thẩm thấu vào mỗi người cán bộ, đảng viên. Học đâu chỉ để mà học, “học” là để “hành”. “Học” để làm sao biến lý luận trở thành ý thức tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên. “Học” để đừng tự biến mình thành “vương”, thành “tướng”, đừng “cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân...”, trong nội bộ thì kẻ cả, ngoài xã hội thì quan liêu. Trước thì xa rời tập thể, đứng trên tập thể. Sau thì, thành “ông cán”. “Ông cán” là từ Bác Hồ nói đến những cán bộ tỏ vẻ “ta đây” rồi. Hôm nay thì bỏ họp lệ, ngày mai thì “đứng lên” chỉ đạo phải làm tốt công tác xây dựng tổ chức là sao đây? Hôm nay cho mình mặc nhiên có cái quyền “đứng trên” một tập thể “nhỏ”, ngày mai mình mặc nhiên tự cho mình cái quyền “đứng trên” tập thể lớn hơn và sau đó phải chăng là “đứng trên” người dân.

Tất nhiên, có khi từ trong tiềm thức cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo không nghĩ rằng như vậy, cho rằng như vậy. Có khi mới đầu chỉ nghĩ đơn thuần rằng “xay lúa thì khỏi bồng em”, “có gì to tát đâu?”, “làm gì thì cũng cống hiến mà, không họp thì làm chuyện chuyên môn?!?”. Nếu tất cả nhìn vào hình ảnh lãnh đạo để mà làm như vậy thì tổ chức đảng sẽ ra sao? Dễ dãi chuyện này sẽ dần sinh ra dễ dãi chuyện khác. Có lãnh đạo phát biểu rất tâm trạng: “Mỗi cán bộ lãnh đạo phải nghĩ rằng và phải làm tròn trách nhiệm người đảng viên trước hết đi đã, sau đó mới là chuyện chỉ đạo, điều hành...”.

Chuyện xây dựng Đảng chính là để có được tổ chức đảng mạnh, tập hợp đội ngũ đảng viên mạnh, “vừa hồng vừa chuyên” như lời Bác. Tổ chức đảng mạnh, đảng viên mạnh là cội nguồn làm nên sức mạnh trong các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay, để dựng xây nên một địa phương mạnh, phát triển nhanh, tinh thần ấy vẫn luôn luôn là chân lý, nhất là trước bộn bề công việc của mỗi người cán bộ, đảng viên. Muốn vậy, mỗi người đừng xem việc học nghị quyết hay các chuyên đề chỉ là hình thức, là cấp trên biểu vậy thì làm vậy. Từng người biết soi rọi vào đó bản thân của mình, tổ chức của mình, địa phương của mình để có hành động cụ thể.

Khẩu hiệu hành động của Đảng bộ trong năm 2018 là: “Kỷ cương và Trách nhiệm”. Kỷ cương trong nội bộ để tạo ra kỷ cương ngoài xã hội. Trách nhiệm của từng cán bộ đảng viên, trước hết là người đứng đầu, để tạo nên trách nhiệm của người dân với cuộc sống. Kỷ cương và trách nhiệm phải trở thành ý thức tự thân của mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên và phải được đặt dưới vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng.

Thì đó, cũng là bài học lý luận chính trị: “Giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng... Tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng và chịu sự giám sát của nhân dân. Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo”. Vậy mình đã là người lãnh đạo chưa?

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn