Chuyện “thương” và “nhớ”

Cập nhật ngày: 10/08/2016 14:06:53

Xin nói liền, "thương" và "nhớ" là cách nói chữ của một nông dân Mỹ Xương. Bữa rồi, gặp mặt bà con trồng xoài, ảnh nói bà con mình phải mần làm sao để người ta biết đến quê mình, biết đến "Mỹ Xương - không thương cũng nhớ". Vậy là bà con mình đã quyết định thay đổi hình ảnh của mình rồi chứ gì! Đó là thương hiệu nông dân, thương "thần nông dân" của mình rồi chứ gì!

Mục đích của cuộc gặp mặt vừa rồi là cùng nhau đi đến thống nhất để mà thành lập một hội quán hay một câu lạc bộ gì đó, với cái tên gì đó để có nơi, có chốn mà gặp nhau, giao lưu với nhau. Ở nơi đó, bà con xúm xít bên nhau, "nói cho nhau nghe và nghe nhau nói". Trước tiên là cây xoài quê mình phải làm sao để ngày càng phát triển bền vững, làm sao hạn chế rủi ro với làn sóng xoài Trung Quốc, xoài Thái Lan, xoài Campuchia đang ngày đêm xâm nhập vào thị trường trong nước, len lỏi vào tận ngõ xóm của mình rồi. Thì đây, mấy bữa nay đọc báo mà thấy lo. Xoài mình hiện xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada, New Zealand... vậy mà ngay trên sân nhà lại bị "đè" bởi xoài sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc đang làm đau đầu không ít người. Mà có ít đâu, mấy ông Hải quan cửa khẩu thống kê sơ sơ là đã có đến mấy ngàn tấn mỗi tháng. Lo thì lo nhưng biết làm sao được? Hội nhập rồi mà! Mình bán qua xứ người ta được thì thiên hạ cũng dùng đủ "chiêu trò" để bán qua xứ mình. Chỉ có mần ăn tử tế, đàng hoàng để người tiêu dùng tin tưởng thì dù có cực khổ hơn một chút, lời lớm ít đi một chút mà ăn chắc mặc bền!


Thu hoạch xoài cát chu Cao Lãnh ở hợp tác xã xoài Mỹ Xương. Ảnh: Mỹ Lý

Mần nghề nông thì đời nào cũng vất vả, xứ nào cũng vất vả. "Bán lưng cho đất, bán mặt cho trời" mà! Mần nghề xoài cũng vậy thôi! Nào là sâu bệnh, nào là thời tiết. Sâu, ruồi, rệp đục trái, đục thân, ăn bông ăn lá, rồi nào là bệnh thán thư, thối trái, khô đọt. Mà nào đã hết đâu, mưa sớm mưa trễ, mưa ngày mưa đêm, mù sương làm rụng hoa, rụng trái. Nghe mấy ông khoa học, mấy cô khuyến nông kể tên các lại bệnh bằng tên tây, tên u gì đó là nghe phát mệt rồi! Vậy mà đã hết đâu, đầu mùa thì giá cả được một chút, đến giữa vụ thì lại rớt xuống, không biết đâu mà lần!

Những chuyện đó ai cũng biết, nhưng làm sao vượt qua được để mà trái xoài phát triển bền vững thì bà con hổng biết làm sao. Trung ương xuống thì kiến nghị, tỉnh, huyện đến thì thắc mắc. Nhưng, nói nào ngay, ông bà mình nhắc nhở: "Nước xa hổng cứu được lửa gần". Trước tiên "mình phải tự cứu mình trước khi trời cứu" như ông Thủ tướng mới phát biểu gần đây. "Nhà nước" sẽ có chính sách hỗ trợ, giúp xây dựng và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm và phát triển thị trường; "nhà doanh nghiệp" thì đến liên kết, mua mua, bán bán với bà con; còn "nhà khoa học" sẽ tìm cách để giúp đỡ đối phó với sâu này, bệnh nọ. Liên kết 4 nhà là vậy. Nhưng mấy "nhà" đó đâu thể đi đến từng "nhà nông", gặp gỡ từng người để mà giúp. Vậy là bà con phải vô một tổ chức nào đó để mà bảo ban nhau chuyện xóm làng, để mà giúp đỡ nhau mần ăn tập thể. Ý nghĩa, mục đích ra đời của Hội quán mình là vậy đó!

Trở lại buổi gặp mặt bữa đó, nhiều bà con nói thiệt là hay. Nào là phải mần theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để có thương hiệu, mà có thương hiệu thì người tiêu dùng bốn phương mới ưa chuộng, mới có nhiều thị trường. Theo quy luật, người mua nhiều thì giá cả sẽ tăng. Có người nói đi: "Tui hết biết rồi, nhưng hổng ai nói cho tui biết cái quy trình đó là làm sao?" Nhưng có người nói lại: "Mấy anh khuyến nông, mấy nhà khoa học có đến rồi mà bà con hổng chịu tham gia". Có anh lại nói: "Bà con mình nhiều kinh nghiệm lắm nhưng ngặt nỗi hổng ai chịu ai, hổng chịu truyền cho nhau, hoặc làm mà thiếu đồng bộ với nhau, làm không tới nơi tới chốn!". Vậy thì mình kêu ai bây giờ?

Có bà con còn biết rất rõ rằng xoài là một trong năm ngành hàng của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh mình. Đúng quá rồi! Nhưng suy cho cùng, tái cơ cấu nông nghiệp chính là một cuộc cách mạng trong người nông dân, của những bà con nông dân. Cuộc cách mạng về ý thức hợp tác với nhau trong cuộc sống và trong sản xuất. Tất cả bắt đầu bằng sự thay đổi, phải thay đổi, như lời anh nông dân ở Bình Thuận mà tôi chiếu cho bà con coi. Ảnh vừa lấy tay gạt nước mắt vừa nói: "Chắc chắn không thay đổi là chết, tui không thể ngồi đó mà chờ chết". Thay đổi trước hết là không còn sống theo nếp nghĩ "Đèn nhà ai nấy rạng" hoặc "Giày dép còn có số mà". Thay vì "Trâu cột ghét trâu ăn" thì nên là "Người đi trước rước người đi sau" để cùng nắm tay nhau mà đi đến sự giàu có, thịnh vượng.

Nói nào ngay, cuối cùng nghe chính bà con nói mà như "mở cờ trong bụng". Vậy là đã có những người tâm huyết, có sự thay đổi và mong muốn thay đổi rồi còn gì, hổng còn lo "nước tới chân mà chưa chịu nhảy" nữa rồi!

Vậy là mình hội đủ ba yếu tố "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà" rồi, chỉ còn "mần" thôi, mần như bà con ở "Canh tân Hội quán" bên kia sông mình đang đồng lòng mần đó.

Rời Mỹ Xương mà học được nhiều điều, trong đó, có một điều quan trọng là phải biết tin tưởng vào ý chí và khả năng của bà con mình. Vượt qua được thì chúng ta có tất cả, bằng ngược lại thì tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng sẽ lẩn quẩn như "kiến bò miệng chén" vậy thôi!

Rời "Mỹ Xương - vừa thương, vừa nhớ" là vậy đó!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn