Hợp long và hợp lực đồng bằng

Cập nhật ngày: 29/10/2017 08:17:37

Chỉ trong một tháng mà được dự hai sự kiện “hợp long” hai cây cầu cuối cùng trên con đường quốc lộ huyết mạch nối từ đỉnh đầu đến vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Vui quá! Ủa, vậy thì “hợp long” là gì vậy?


Cầu Cao Lãnh 

Tìm hiểu sơ sơ mới hiểu rằng “hợp long” là “rồng hợp nhau”. Mấy ông chuyên gia giao thông thì nói “hợp long” chỉ dùng cho loại cầu sử dụng công nghệ đúc hẫng. Với công nghệ này, trụ cầu được xây dựng trước, sau đó làm đà giáo mắc vào thân trụ, cân bằng nhau về hai phía, rồi đổ bê tông trên đà giáo. Sau khi khối bê tông này khô, mắc đà giáo từ chính khối bê tông này để đổ tiếp về cả hai phía, dần dần cho đến khi khối bê tông của các trụ nối liền nhau. Riêng nhịp giữa, sau khi đổ tới mức gần chạm vào nhau người ta sẽ thi công đốt cuối cùng để nối liền cầu. Việc này gọi là “hợp long”. Vậy là, “hợp long” chỉ mới xong phần thô thôi, còn phải qua nhiều công đoạn nữa mới hoàn thiện để khánh thành và chính thức thông xe.

Thời khắc được đứng ngay trên cái phần “hợp long” ấy đảo mắt nhìn bốn bề chung quanh cũng đã thấy lòng nao nao rồi. Bên kia là bờ, bên này là bờ. Vậy là, bờ đã nối với bờ. Bên kia là người dân của địa phương này, bên này là người dân của địa phương nọ. Vậy là, người dân đã nối nhịp với người dân, địa phương nối liền địa phương. Không nao nao sao được khi dòng sông bao đời cách trở, rồi đây cảnh “qua sông thì phải lụy đò” sẽ không còn nữa.

Đứng trên đỉnh cầu nhìn một vòng mới thấy quê hương mình đẹp lắm, trù phú lắm. Màu xanh vườn tược nối tiếp màu xanh vườn tược. Mặt nước đỏ nặng phù sa. Giao thương rồi sẽ liền lạc. Kinh tế rồi sẽ phát triển. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rồi sẽ cất cánh.

Vui là vui vậy, nhưng vẫn nghĩ ngợi vu vơ. “Hợp long”, nối nhịp cầu mới chỉ là kết nối được phần cứng, mới chỉ là điều kiện cần mà thôi. Phần còn lại, điều kiện đủ, quyết định sự thành công trên con đường đi đến thịnh vượng là hợp lực giữa con người với con người, là kết nối địa phương bờ bên này với địa phương bờ bên kia. Đó là tinh thần hợp tác với nhau. Thì đó, nhà thầu thi công cầu Vàm Cống đến từ Hàn Quốc, một đất nước trở thành quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới chính bằng tinh thần hợp tác của cả một dân tộc.

Rồi mai này những cây cầu sẽ hoàn thành và chắc chắn sẽ có những lễ khánh thành hoành tráng. Cũng phải thôi, ước mơ bao đời được mãn nguyện của cả vùng đất trù phú nhưng luôn trắc trở ngược - xuôi mà. Cũng phải thôi, cơ hội liên kết vùng đây mà. Tiềm năng rồi sẽ tiếp tục được đánh thức đây mà. Tuy nhiên, hợp tác không phải là “chia nhau chiếc bánh”, chia sao cho khéo, cho công bằng, mà là cùng nhau làm cho “chiếc bánh ngày càng nảy nở ra”. Muốn vậy, cầu thì kết nối rồi, “lòng người” đừng để chia cắt nữa. Mỗi người, mỗi địa phương phải vươn tầm cao mới như những trụ cầu chính sừng sững vươn lên trời cao. Không tự ti, không than thân, trách phận về một vùng trũng, một mảnh đất đang đối mặt với nhiều thách thức trong thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước.

Những nút thắt được dần mở ra, những điểm nghẽn dần được khơi thông, nhưng những thách thức vẫn còn song hành trên từng chặng đường phát triển. Chuyển tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” thành “kinh tế nông nghiệp” đã được xác lập quan điểm từ cấp điều hành cao nhất rồi. Nhưng rồi, ai sẽ dẫn dắt mọi người trên con đường đi đến thay đổi đó đây? Chủ trương mở rộng hạn điền, tích tụ đất đai để mà sản xuất quy mô lớn, để mà hình thành chuỗi ngành hàng cây trồng này, vật nuôi kia đã được phát động rồi. Nhưng những bước đi tiếp theo là gì để vừa đạt được mục tiêu, vừa không phát sinh những hệ lụy về mặt xã hội? Nền nông nghiệp “giải cứu” như hiện nay và nền “nông nghiệp 4.0”, khoảng cách là bao xa? Và ai là người giúp rút ngắn khoảng cách đó?

Chuyện đồng bằng đâu mới đặt ra tại “Hội nghị Diên Hồng” của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL hồi tháng 9/2017 vừa rồi. Biết bao nhiêu là bản quy hoạch. Biết bao nhiêu là đề tài nghiên cứu. Biết bao nhiêu là hội thảo. Người đồng bằng lo chuyện đồng bằng đã đành mà hình như người cả nước cũng lo cho vùng đất được xem là một trọng điểm nông nghiệp của quốc gia. Nhưng dường như vẫn mới dừng lại ở những tranh luận, những khuyến cáo; dường như vẫn phân vân lựa chọn giải pháp công trình và phi công trình, nào đào hồ, nào đắp đập... Chuyện đồng bằng còn là câu chuyện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, là câu chuyện di dân, là khuyến khích hay tìm giải pháp để “ly nông mà không phải ly hương”?

Mà chuyện đồng bằng đâu phải chỉ là chuyện của các cấp chính quyền. Nào nhà quản lý, nhà khoa học, nhà tư vấn. Rồi trong nước, rồi ngoài nước. Rồi so sánh với xứ này xứ kia. Nhiều người lo, nhưng hãy dành phần cho người dân và doanh nghiệp. Suy cho cùng, doanh nghiệp và người dân mới là những đối tượng chịu tác động và thụ hưởng, là động lực và mục tiêu từ những quyết sách cho đồng bằng. Họ phải được đặt ở vị trí trung tâm trong sự phát triển. Câu chuyện “4 nhà” đâu chỉ dành riêng cho phát triển nông nghiệp, mà cho cả chặng đường phát triển tổng thể đồng bằng. Từ kết nối những nhịp cầu phải đến kết nối sức mạnh giữa Nhà nước - thị trường - xã hội, coi chừng có khi mình quên sức mạnh của sự kết nối này.

Từ kết nối những nhịp cầu phải đến kết nối sức mạnh giữa Nhà nước - thị trường - xã hội, coi chừng có khi mình quên sức mạnh của sự kết nối này.

Lê Minh Hoan
Bí thư Tỉnh uỷ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn