Châu Thành phát triển trồng ổi lê Đài Loan

Cập nhật ngày: 26/03/2014 05:37:11

Sau thiệt hại từ dịch bệnh chổi rồng trên nhãn, nhiều nhà vườn của huyện Châu Thành đã tìm giống cây trồng khác tiếp tục canh tác. Trong đó, cây ổi lê Đài Loan (còn gọi là ổi lê) được nhiều nhà vườn chọn.


Ổi lê đang được nhiều nhà vườn huyện Châu Thành trồng

Ổi lê Đài Loan khá dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, đặc biệt rất được thị trường ưa chuộng. Do đó, cây ổi lê được xem là giải pháp ngắn hạn giúp bà con nhà vườn huyện Châu Thành phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch chổi rồng trên nhãn. Hiện nay, toàn huyện Châu Thành có khoảng 116ha trồng ổi lê, tập trung ở các xã An Nhơn, An Hiệp và một số địa bàn lân cận.

Chị Phan Ngọc Anh ở ấp Tân Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành tâm sự: “Từ khi dịch bệnh chổi rồng tấn công trên cây nhãn, gia đình tôi bị thất thu nhiều năm liền. Thấy một số nhà vườn chặt nhãn trồng ổi lê, gia đình tôi cũng quyết định trồng thử nghiệm 200 cây. Không ngờ chỉ trồng hơn 1 năm nhưng ổi lê cho trái và đạt năng suất rất cao. Hiện tại, với 200 gốc ổi, mỗi tháng thu hoạch 5 - 6 lần, mỗi lần thu hoạch trên 1 tấn, giá bán cho lái tại vườn hiện nay là 12.000 đồng/ kg. Với mức giá này, trừ chi phí còn lãi khoảng 10.000 đồng/kg. Gia đình tôi đang gấp rút cải tạo 6.000m2 vườn tạp để tiếp tục trồng ổi lê Đài Loan”.

Nhiều nhà vườn nhận định, ổi lê rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt thị trường tiêu thụ rộng nên diện tích trồng ổi lê không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, để trồng ổi lê đạt hiệu quả kinh tế, nhà vườn lưu ý, cần cắt tỉa cành và tạo thế để cây phát triển cân đối, thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch và tăng khả năng chống gãy đổ. Khi trái ổi to khoảng 5cm, nên dùng túi xốp thưa bọc bên trong và túi nilon bọc bên ngoài để trùm trái lại, nhằm hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục trái gây hại. Sau khi trái ổi bọc khoảng 2 tháng, nhà vườn có thể thu hoạch.

Hiện nay, ổi lê được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, đặc biệt một số chủ vựa còn chuyển hẳn ra thị trường Hà Nội... Nhờ có bao xốp thưa bọc bên ngoài nên vận chuyển rất thuận tiện, đây là điểm nổi bật giúp ổi lê có được thị trường tiêu thụ rộng và bền vững.

Song song với nhu cầu về trái, hiện nay thị trường cây giống cũng đang nhộn nhịp tại huyện Châu Thành. Chú Nguyễn Văn Út ở xã An Nhơn cho biết: “Gần đây nhiều nông dân ở huyện Lai Vung, Cao Lãnh và cả các tỉnh lân cận... đến tôi đặt chiết giống với số lượng lớn. Hiện nay, trung bình một nhánh ổi được giăm trong bầu có giá 12 - 15 ngàn đồng”.

Mặc dù trồng ổi lê mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nhà vườn cần thận trọng trong việc tăng nhanh diện tích trồng. Ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Châu Thành cho biết: “Phần lớn diện tích trồng ổi lê ở Châu Thành được người dân thực hiện theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, trồng kết hợp với một số cây ăn quả lâu năm khác. Ổi lê sinh trưởng và phát triển nhanh, nếu tăng nhanh diện tích, rất dễ dẫn đến thừa nguồn cung, phá vỡ quy luật cung cầu. Do đó, nhà vườn không nên ồ ạt trồng theo phong trào, nên chọn lựa loại cây trồng phù hợp trồng xen canh để tránh tái diễn điệp khúc “trồng - chặt”, gây thiệt hại kinh tế cho bà con”.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn