Âm nhạc không thể mãi là công cụ giải trí

Cập nhật ngày: 05/09/2012 14:05:07

“Sự nhầm lẫn trong cách hiểu về âm nhạc đã làm đảo lộn các giá trị thật sự của nó. Âm nhạc phải được là chính nó chứ không thể cứ mãi làm công cụ giải trí”.

Nhạc sĩ Dương Thụ đã chia sẻ như vậy về điều khiến ông trăn trở và không ngừng nỗ lực để làm “Điều còn mãi”, một chương trình âm nhạc thường niên và mang tính nghệ thuật nghiêm túc.


“Tiếng sáo quê hương”, của nhạc sĩ Văn Chung, được trình diễn bởi nghệ sĩ
flute Lê Thư Hương và Dàn nhạc trong “Điều còn mãi 2012”

Đã bốn năm nay, cứ mỗi độ thu về, ông lại bắt đầu công việc lục tìm lại trong “kho” trí nhớ và các thư viện âm nhạc những nhạc phẩm mà theo thời gian đã kết tinh thành giá trị tinh hoa của nền âm nhạc Việt Nam. Trong vai trò Giám đốc nghệ thuật của “Điều còn mãi”, ông chọn lựa, tổ chức dàn dựng thành một buổi hòa nhạc, để chúng được tôn vinh một cách xứng đáng vào mỗi chiều của Tết độc lập hàng năm tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Với “Điều còn mãi”, ông cho rằng âm nhạc phải được là chính nó chứ không thể cứ mãi làm công cụ để giải trí, để tuyên truyền, để kinh doanh, mặc dù những việc này là rất cần thiết. “Chúng ta có một tài sản âm nhạc quý giá, nhưng xửsự với nó rất tồi nên giá trị của nó không được hiểu đúng, nhất là đối với giới trẻ”, ông nói.

Từ tâm niệm như vậy, ông đã xác lập bằng hành động để đưa “Điều còn mãi” trong bốn năm qua đứng vững trong làng âm nhạc, vốn đang ồn ào và lộn xộn, như một buổi hòa nhạc (Concert) đúng nghĩa để tôn vinh những giá trị âm nhạc thật sự của Việt Nam. Một buổi trình diễn do những nghệ sĩ hàng đầu thực hiện với tinh thần làm nghệ thuật tận hiến.

Dù còn nhiều khó khăn từ nguồn tài trợ, “Điều còn mãi” đã không biến mình thành một show giải trí bán vé thuộc lĩnh vực kinh doanh giải trí, cũng không phải là chương trình “cúng cụ” nhân lễ kỷ niệm này nọ mà công chúng không mấy mặn mà.

Tất nhiên, một chương trình mà chỉ toàn những điều còn mãi với thời gian sẽ thiếu mất hơi thở đương đại, nếu như chúng không được tiếp nối hoặc trình diễn bởi những tài năng hôm nay. Ở khía cạnh này, “Điều còn mãi” được tiếng là “mát tay” trong việc phát hiện và giới thiệu nhiều tài năng của dòng nhạc hàn lâm.

Về giới sáng tác khí nhạc, năm nay chương trình giới thiệu gương mặt mới Đỗ Kiên Cường với Concerto cho saxophone và dàn nhạc. Bên cạnh đó là Việt Anh – nhạc sĩ trẻ nổi tiếng với các ca khúc “Đêm nằm mơ phố”, “Dòng sông lơ đãng” …– với giao hưởng “Vàng son”, thành quả của anh sau nhiều năm du học tại New Zealand.

Những năm trước đó, khán giả được biết tới Trần Mạnh Hùng với các giao hưởng thơ “Thăng Long” và “Lệ Chi Viên”. Nguyễn Mạnh Duy linh với “Concerto Grosso” cho violin, dàn nhạc dây, piano và bộ gõ. Tuệ Nguyên với “Thốt” viết cho Piano, kèn bầu, giọng vocal Tuồng, trống chiến và “Bóng” viết cho piano kết hợp với Chầu Văn. Những ngôi sao nhạc nhẹ đẳng cấp của nhạc Việt như Mỹ Linh được “Điều còn mãi” tái phát hiện khả năng hát cùng dàn giao hưởng của họ.

Về nghệ sĩ biểu diễn, “Điều còn mãi” đã giới thiệu có tính chất phát hiện nghệ sĩ độc tấu violin Xuân Huy, nghệ sĩ dương cầm thuộc dòng đương đại là Phó An My và giọng Soprano Hà Phạm Thăng Long. Năm nay, người ta lại biết thêm pianist Huỳnh Sơn Thục Anh, giọng soprano Phạm Thị Duyên Huyền. Tất cả họ đều còn trẻ và tên tuổi chưa thật sự quen thuộc với công chúng.

Thậm chí, trong lĩnh vực nhạc nhẹ, chương trình chỉ chọn những giọng ca quen thuộc và đẳng cấp nhất của làng nhạc Việt như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo. Nhưng điều thú vị là những ngôi sao nhạc nhẹ này được “phát hiện” lại khả năng hát với dàn nhạc giao hưởng của họ, điều mà công chúng ít được biết tới.

Việc gìn giữ và phổ biến những giá trị tinh hoa của nhạc Việt thì rõ ràng không phải chỉ một mình "Điều còn mãi" làm mà được. Nhạc sĩ Dương Thụ cho biết chỉ riêng “Điều còn mãi” thôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm sự hỗ trợ của giới truyền thông để quảng bá những giá trị âm nhạc này ra công chúng. Rất nhiều tờ báo lớn trong những năm trước, kể các các tờ báo hình và tiếng của nhà nước cũng khá thờ ơ với nó. Nó đi lên trong sự đơn độc. Nhưng năm nay tình hình đã khá hơn.

Còn việc phổ biến những giá trị tinh hoa không thể chỉ có “Điều còn mãi”, mà nó phải trở thành chiến lược quốc gia, và nó phải trở thành hành động chứ không phải chỉ là những dự án trên giấy, hoặc những dự án làm ra với mục đích rút ruột kinh phí của nhà nước.

ĐH (Theo VnE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn