Dũng tướng Hòa An với chiến công Mỹ Trà năm Ất Sửu (1865)

Cập nhật ngày: 10/02/2021 06:21:00

Trong số các thuộc tướng tài giỏi của Thiên Hộ Dương có ông Trần Trọng Khiêm. Một người có lai lịch kiêu hùng, lẫm liệt; một nhân cách và tài năng lỗi lạc.


Mận Hòa An. 
Ảnh: Nhất Thống

Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó ở làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vị, tỉnh Phú Thọ. Vốn thông minh, giỏi võ nghệ, tháo vát... Năm 20 tuổi (năm 1841), ông đã có cơ sở buôn bán gỗ ở Bạch Hạc (Việt Trì), phố Hiến (Hưng Yên) với các thương gia Hoa kiều. Ông lập gia đình với thôn nữ họ Lê. Hai người sống với nhau rất hạnh phúc trong cảnh buôn bán, làm ăn giàu có. Điều đó cũng là cái gai trong mắt tên Cai Tổng trong vùng, hắn đã xuống tay giết vợ của ông Khiêm (vì thâm thù không cưới được bà khi còn con gái). Điều đó làm ông đau buồn uất hận tận cùng, ông đã giết chết tên Cai Tổng rồi bỏ nhà đi biệt tích...

Trần Trọng Khiêm cải dạng xuống Hưng Yên làm ăn một thời gian ngắn, rồi theo các đoàn tàu buôn của người nước ngoài, ông làm thủy thủ, qua Hồng Kông, Hà Lan... Cuối cùng, ông đến Hoa Kỳ (năm 1850). Tại đây, ông cùng với những người Mexico, Canada, Anh, Mỹ, Hà Lan đi tìm vàng ở vùng Viễn Tây (Texas, Hoa Kỳ). Chán ngán, ông lại đến California làm nhân viên Báo Daily Evening. Những năm tháng ở Hoa Kỳ, Trần Trọng Khiêm rất ngưỡng mộ Đại úy Suter (gốc người Canada) trong việc xây dựng các công sự chiến đấu với quân của Anh quốc (về sau Suter được Hoa Kỳ phong đại tướng).

Cuối năm 1855, ông theo các tàu buôn Hồng Kông về lại Tổ quốc và đến với vùng đất mới Nam kỳ. Tình đất, tình người ở đây đã trở nên duyên nợ, rồi ông lập gia đình lần thứ hai. Ông cũng đã cùng với một vài người đứng ra khai phá, lập nên làng Hòa An (phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường, nay thuộc TP.Cao Lãnh). Chính điều này mà hậu thế đã suy tôn ông là bậc tiền hiền làng Hòa An...


Cầu Đình Trung xưa. 
Ảnh: Lê Hương

Năm 1864, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, ông đã giao nhà cửa cho vợ con, sản nghiệp cho người thân tín, rồi vào chiến khu Đồng Tháp Mười, gia nhập nghĩa quân Thiên Hộ Dương. Trần Trọng Khiêm đã dốc sức, dốc lòng rèn luyện quân binh; thiết kế nhiều công sự, nhiều trận tuyến phòng ngự, tấn công quân Pháp được mô phỏng theo mẫu của Đại úy Suter mà ông đã nghiên cứu, học hỏi lúc còn ở Hoa Kỳ. Quân binh dưới quyền thân ái gọi ông là “Dũng tướng Hòa An”, Thiên Hộ Dương giao ông chỉ huy nhiều trận và lập nhiều chiến công vang dội ở Cai Lậy, Cái Bè, đặc biệt là trận Mỹ Trà (Cao Lãnh) năm Ất Sửu 1865. Diễn biến của trận đánh được nhiều tài liệu ghi lại; trong đó có cả tài liệu của quân Pháp với thái độ nễ sợ.

3 giờ sáng ngày 22/7/1865, nghĩa quân khởi sự theo kế hoạch với hơn 100 quân, được trang bị 2 khẩu đại bác, 50 súng trường, nhiều gươm đao. Lực lượng tập kết tại một điểm để được bố trí, tiến đánh Mỹ Trà theo 3 hướng:

- Hướng thứ nhất, từ Mỹ Ngãi kéo xuống.

- Hướng thứ hai, từ Đình Trung tiến vào, đánh vô nhà việc (công sở) Mỹ Trà.

- Hướng thứ ba, từ xóm Bún kéo lên (cặp sông Cao Lãnh).


Công sở Mỹ Trà xưa. 
Ảnh: Lê Hương

Xế trưa ngày hôm đó, đám quan chức, tề xã, lính tráng Mỹ Trà đang ngất ngơ ngất ngưỡng từ một đám giỗ cách nhà việc Mỹ Trà chừng 500m ra về. Bất ngờ, súng nổ; tiếng liên thanh cùng tiếng cổ võ của Nhân dân, kẻ thù kinh hồn tán đởm, không biết đường chạy thoát thân. Có một số thợ hồ mà chúng bắt xây trong đồn Mỹ Trà đã nhanh tay cướp vũ khí, làm nội ứng. Cùng lúc ấy, nghĩa quân đánh úp nhà việc Mỹ Trà (chỗ tượng ông Thống Linh ngày nay), tên tay sai Phạm Công Khanh chạy thụt mạng, trốn chui trốn nhủi dưới một ghe hàng của dân rồi tẩu thoát. Nghĩa quân đốt nhà việc, thẳng xuống nhà lồng chợ (nay là khu chợ cũ Cao Lãnh). Xung quanh nhà việc Mỹ Trà và vùng lân cận, quân địch lớp chết, lớp bị thương nằm la liệt... Nghĩa quân làm chủ tình hình suốt ngày 22/7/1865 tại nơi xảy ra chiến sự.


Chợ Cao Lãnh xưa. 
Ảnh: Lê Hương

Được tin đồng bọn thảm bại, đám thủy quân Pháp từ hướng sông Tiền xuôi vào sông Cao Lãnh, dùng súng lớn uy hiếp để giải vây đám tàn binh, phong tỏa nghĩa quân và mở cuộc phản kích. Tuy nhiên, với tài chỉ huy của Trần Trọng Khiêm, người đã dạn dày trận mạc, người đã bố trí công sự mô phỏng của Mỹ, với hệ thống mương hào, phòng tuyến chống trả ác liệt, lại thêm một cơn mưa như trút nước xuống, quân Pháp đã không áp đảo nổi mà đại bại. Thủy sư đô đốc Rose mang viện binh từ Sài Gòn xuống, nhưng tất cả đã muộn! Khi tới nơi, nghĩa quân đã rút lui. Chiến trường ghê rợn, địch lớp chết lớp bị thương mấy trăm tên. Rose ra lệnh đốt phá làng Mỹ Trà, tiến quân đốt phá làng Mỹ Ngãi, chúng gieo thêm tội ác và chuốc lấy sự căm phẫn tột cùng của Nhân dân.

Với trận Mỹ Trà năm Ất Sửu (năm 1865), uy danh và sự cảm mến mà Nhân dân dành cho nghĩa quân Thiên Hộ càng thêm cao, tên tuổi của danh tướng Trần Trọng Khiêm thêm vang dội. Hậu thế còn mãi ca tụng công đức của một dũng tướng, vị tiền hiền khai phá làng Hòa An (Cao Lãnh).

Nhất Thống

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn