Hò Đồng Tháp được nồng nhiệt đón nhận

Cập nhật ngày: 20/05/2015 13:45:04

Đêm chung kết Liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ VI năm 2015 tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, tiết mục Tổ khúc hò Đồng Tháp của đoàn nghệ thuật Đồng Tháp vinh dự đạt giải A. Ấn tượng, dạt dào cảm xúc, điệu hò Đồng Tháp đã mang đến cho khán thính giả nhiều ấn tượng tốt đẹp.


Tiết mục Hò huê tình Đồng Tháp - Hò cấy Đồng Tháp - Hò Đồng Tháp

Tổ khúc hò Đồng Tháp là sự kết hợp 3 điệu hò rất đặc trưng của Đồng Tháp, trong đó có hò huê tình, hò cấy và hò Đồng Tháp. Hò huê tình không chỉ riêng ở Đồng Tháp có nhưng điệu hò này ở Đồng Tháp lại mang tính chất phong phú từ giai điệu đến lời hò mềm mại, nhẹ nhàng thư thả, man mác, trữ tình. Hò cấy cũng vậy, nhưng lại khôi hài, dí dỏm, nhí nhảnh. Hò Đồng Tháp lại mang nét đặc trưng chỉ có duy nhất ở Đồng Tháp, là một điệu hò khi được cất lên ta cảm nhận được không gian mênh mông của đồng nước và dạt dào tình đất, tình người. Tham dự liên hoan lần này, đoàn nghệ thuật Đồng Tháp mang đến liên hoan nét mới trong tiết mục, đây cũng chính là sự sáng tạo nhằm giới thiệu cho công chúng tìm hiểu và đón nhận điệu hò Đồng Tháp. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đồng Tháp là người biên tập và dàn dựng tiết mục Tổ khúc hò Đồng Tháp cho biết, nét mới trong tiết mục tham gia liên hoan của đoàn là đã cấu trúc ba điệu hò này thành một câu chuyện diễn ra trên đồng lúa, đồng sen của quê hương Đồng Tháp, đó là đôi trai gái trong làng ngày xưa thông qua hò huê tình, hò cấy, hò Đồng Tháp tìm hiểu nhau, thương nhau, có những đôi thành vợ thành chồng, có điều kiện lao động sản xuất trên quê hương mình và có đôi bạn tạm biệt nhau để đi làm ăn sinh sống xứ người nhưng tình quê, tình đất mãi trong tim qua từng điệu hò. Vì cái hay của hò Đồng Tháp mà kết thúc liên hoan, có những đơn vị đến giao lưu và bày tỏ niềm mong muốn được nghe lại và thu âm lại để nghe điệu hò Đồng Tháp.

Những thành viên tham gia liên hoan lần này có người đã biết hò Đồng Tháp cách đây được 4 năm, có người mới biết hò gần đây nhưng tất cả đều thiết tha với điệu hò Đồng Tháp, đam mê điệu hò da diết của quê hương mình. Đó cũng là những nghệ nhân, diễn viên không chuyên sống, làm việc từ nhiều ngành nghề khác nhau trên địa bàn tỉnh, có người đang là giáo viên (Nguyên Trường), cán bộ Đoàn (Hồng Nhung), Trung tâm Văn hóa các huyện (Kim Phượng, Hoàng Em,...). Tham gia Liên hoan dân ca toàn quốc năm 2015 trên quê hương Bác, giọng hò Đồng Tháp được vút cao nên đối với các thành viên trong đoàn, cảm giác thật khó tả. Diễn viên Trương Chí Dũng đang công tác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh chia sẻ: “Lúc nhận giải, các thành viên trong đoàn ai nấy ngập tràn hạnh phúc. Vui vì được hát trên quê hương Bác và vui vì sau khi kết thúc liên hoan, rất nhiều đoàn đến giao lưu học cách hò Đồng Tháp, bất ngờ nhất là đoàn nghệ thuật tỉnh Nghệ An giao lưu, trình diễn khá hay điệu hò Đồng Tháp”. Mục đích tham gia liên hoan của đoàn nghệ thuật Đồng Tháp là giới thiệu, quảng bá “đặc sản” văn hóa hò Đồng Tháp đến với mọi người. Từ cái ham thích điệu hò Đồng Tháp, hy vọng một ngày nào đó bà con gần xa sẽ tìm đến Đồng Tháp.

Cả 3 lần tham gia Liên hoan Dân ca Việt Nam kể từ năm 2011, các tiết mục có liên quan đến hò Đồng Tháp đều đạt giải. Đặc biệt, liên hoan năm nay, các tỉnh phía Nam chỉ duy nhất đoàn Đồng Tháp đạt giải A. Qua đây cho thấy điệu hò Đồng Tháp mang đậm chất dân ca Nam bộ và đang tiếp tục được phát huy, được nhiều người biết đến, yêu thích cũng như khẳng định được chỗ đứng. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Cao Văn Lý đang sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, người rất mặn nồng với điệu hò Đồng Tháp cũng như tiên phong trong việc phục hồi và phát huy điệu hò Đồng Tháp cho biết: “Hò Đồng Tháp bản chất là một điệu hò rất hay. Tiết mục đoàn nghệ thuật Đồng Tháp đạt được là rất xứng đáng vì có sự sáng tạo, sức thuyết phục, được chuẩn bị, đầu tư kỹ. Qua những kết quả tham gia liên hoan những lần gần đây và sự đón nhận hò Đồng Tháp của nhân dân trong và ngoài tỉnh cho thấy hò Đồng Tháp đã thật sự sống lại và có nét tươi mới trong từng tác phẩm hò”.

Với tiêu chí tìm kiếm, phát hiện, giới thiệu nguyên gốc dân ca, các điệu dân vũ, dân nhạc, nhiều đoàn đã quan tâm chú ý xây dựng các tiết mục với ý thức giữ gìn nguyên bản còn được lưu truyền hoặc được phục dựng thể hiện gần nhất môi trường sản sinh các làn điệu. Tiết mục Tổ khúc hò Đồng Tháp, trong đó có hò Đồng Tháp cũng đã khẳng định được nét đặc trưng văn hóa của quê hương đất sen hồng và được nhân dân nhiệt tình đón nhận.

Hữu Nghĩa

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn