Khai mạc Triển lãm tư liệu, hiện vật “Voi ở Tây Nguyên”

Cập nhật ngày: 26/11/2017 07:23:47

Chiều qua, 25/11, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã khai mạc trưng bày “Voi ở Tây Nguyên”.

Đây là trưng bày thường xuyên của Bảo tàng phục vụ công chúng Thủ đô và du khách tìm hiểu về vùng đất Tây Nguyên.

Với 40 hiện vật, 38 bức ảnh và phim video cùng hệ thống các bài viết giới thiệu, trưng bày “Voi ở Tây Nguyên” được thể hiện theo 6 chủ đề: Tập tính của voi; Bắt và thuần dưỡng voi rừng; Chăm sóc voi; Voi trong đời sống kinh tế; Voi trong đời sống xã hội; Voi trong đời sống văn hóa. Các hình ảnh, hiện vật đã phản ánh vai trò của voi trong đời sống, văn hóa, xã hội cũng như những tri thức dân gian về việc bắt và thuần dưỡng voi ở Tây Nguyên.


Cắt băng khai mạc Triển lãm tư liệu, hiện vật “Voi ở Tây Nguyên”

Đa số các hiện vật ở trưng bày được lựa chọn từ bộ vật dụng của ông Y Prông Êban, ở Buôn Đôn (Đắc Lắc), do con trai ông là Khăm Phết Lào trao tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2014.

Trưng bày “Voi ở Tây Nguyên” là một sự kiện trong chuỗi hoạt động nhân dịp 20 năm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến với công chúng (1997 – 2017). Những năm qua, Bảo tàng đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, trình diễn về các dân tộc ở Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên một trưng bày giới thiệu về văn hóa của một số dân tộc ở Tây Nguyên thông qua hình ảnh con voi- một con vật có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân ở vùng đất cao nguyên này.

Ông Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết:  “Thông qua trưng bày, Bảo tàng mong muốn công chúng có cơ hội tìm hiểu về những tập quán, nghi lễ liên quan đến việc bắt, thuần dưỡng, chăm sóc cũng như giá trị của voi trong đời sống văn hóa xã hội của một số dân tộc ở Tây Nguyên; đồng thời góp tiếng nói nhằm nâng cao ý thức cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã nói chung và voi nói riêng’’.

Hồng Bắc/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn