Bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục - cần sự chung tay của toàn xã hội

Cập nhật ngày: 05/08/2017 06:56:57

ĐTO - Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), từ năm 2012 - 2016, trên địa bàn tỉnh có trên 200 trẻ em (TE) bị xâm hại tình dục (XHTD), đang trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội.


Tạo môi trường sống an toàn, nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục

Trẻ em bị XHTD diễn biến phức tạp

Nếu năm 2016 toàn tỉnh xảy ra 18 trường hợp TE bị XHTD thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có 11 TE bị XHTD. Điều này cho thấy nạn XHTD TE có xu hướng tăng, thủ đoạn xâm hại diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, nghiệm trọng.

Ngày 30/5/2017,Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử vụ XHTD TE, bị cáo là Võ Văn Khanh ngụ ấp Long Thạnh B, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự. Theo cáo trạng, bị cáo và bị hại ở cùng xóm, khoảng 14 giờ ngày 8/2/2017 sau khi uống rượu, bị cáo thấy bị hại (chưa đầy 12 tuổi) đang đứng xem chơi game, bị cáo nói dối rủ bị hại đi ra phía sau vườn chơi. Mặc dù bị hại không đồng ý nhưng Khanh vẫn kéo tay bị hại dẫn đến khu vực vắng người và thực hiện hành vi xâm hại.

Trước đó, ngày 12/5/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt Võ Văn Trường Giang (SN 1999) ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò 8 năm tù giam về tội hiếp dâm TE. Đây là vụ án hiếp dâm TE xuất phát từ thực trạng yêu sớm đang ngày càng phổ hiện nay. Quen biết nhau qua Zalo, Giang đã nhiều lần quan hệ với người yêu. Tính đến ngày phạm tội, Giang chưa đủ 18 tuổi, còn bị hại chưa tròn 13 tuổi.

Ông Tô Phú Đông - Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Người phạm tội thường lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết về tình yêu, tình dục, từ đó dụ dỗ để thực hiện hành vi xâm hại đối với TE. Qua thực tiễn xét xử các vụ án, loại tội phạm này nổi lên một số vấn đề là do gia đình thiếu sự quan tâm trong sinh hoạt, giao tiếp, học tập, giao du kết bạn của trẻ nên dẫn đến việc các em dễ bị lôi kéo, dụ dỗ sau đó là bị xâm hại”.

Khó khăn, thách thức trong việc phòng, chống

Trên địa bàn tỉnh, hiện có gần 45.000 TE có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đây là nhóm trẻ có nhiều nguy cơ bị xâm hại, trong đó có nguy cơ XHTD.

Đánh giá kết quả hoạt động phòng ngừa TE bị XHTD trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ,TB&XH nhận định còn những khó khăn như: sự phát triển mạnh mẽ của Intrenet, các trang mạng xã hội, phim ảnh... nhưng việc quản lý của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo; công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trong phòng, chống XHTD TE chưa rộng rãi, thường xuyên; sự hiểu biết và thực hiện pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế... trong khi đó, hệ thống bảo vệ TE (BVTE) cấp cơ sở chưa được hình thành đồng bộ trong toàn tỉnh (hiện chỉ có 82/144 xã, phường, thị trấn tại 8/12 huyện, thị, thành phố trong tỉnh có thành lập Ban BVTE cấp xã).

Do đó, việc lãnh đạo triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc TE tại các địa phương chưa có Ban BVTE còn thiếu tập trung. Mặt khác, giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí của tỉnh không còn hỗ trợ duy trì thực hiện các mô hình phòng ngừa, trợ giúp TE bị XHTD, bị bạo lực dựa vào cộng đồng như giai đoạn 2011-2015... cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động phòng ngừa TE bị XHTD.

Cần những giải pháp khả thi

Bà Nguyễn Thị Hồng Phước - Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, TE bị XHTD không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần mà còn ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của xã hội. Trẻ bị xâm hại dễ dẫn đến bị tự kỷ, hoảng sợ không muốn giao tiếp với bên ngoài. Chính vì vậy mà gia đình nên chăm chút, bảo bọc con mình hơn, dạy cho các em những kỹ năng để các em phòng, chống XHTD, nên lồng ghép giáo dục giới tính về phòng ngừa XHTD để cho các em biết tự vệ.

Bà Lê Thị Phiến - Trưởng phòng Bảo vệ TE, Sở LĐ,TB&XH cho rằng: “Để ngăn chặn nạn XHTD TE, cần phải có sự vào cuộc từ nhiều phía: các ban, ngành, đoàn thể và của cả xã hội, trong đó gia đình TE đóng vai trò trọng tâm. Các bậc cha mẹ cần chăm sóc con nhiều hơn, luôn đặt các em trong tầm kiểm soát của mình, tạo cho các em tin tưởng về môi trường sống an toàn đối với bản thân”.

Theo bác sĩ Lê Thị Bích Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe sinh sản Đồng Tháp, các gia đình cần quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, giúp trẻ biết những tình huống, hoàn cảnh có nguy cơ bị XHTD và cách tránh những nguy cơ đó như: không nên đi một mình ở những nơi vắng vẻ, tăm tối; không ở trong phòng kín khi chỉ có 2 người, đặt biệt là người lạ; không nhận tiền và quà của người khác mà không rõ lý do; tránh xa khi có một người yêu cầu bạn làm những việc có liên quan đến sự đụng chạm thân thể: xoa lưng, mát xa...

Bên cạnh đó, các cơ quan có liên quan, trường học phải tăng cường tuyên truyền đạo đức, lối sống; động viên gia đình có con em bị XHTD dũng cảm tố cáo kẻ phạm tội ra trước pháp luật. Ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra, quản lý chặt và xử lý nghiêm việc lưu hành các văn hóa phẩm độc hại... Các địa phương, huy động các nguồn lực phục vụ cho công tác bảo vệ, chăm sóc TE tại địa phương chặt chẽ và kịp thời nhằm giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ XHTD TE.

KIM NGÂN - CAO LÊ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn