Bữa cơm gia đình, nơi vun đắp yêu thương và hạnh phúc

Cập nhật ngày: 24/06/2015 13:45:25

Thời hiện đại, nhiều gia đình không còn chú trọng đến bữa cơm gia đình nữa. Tuy nhiên, trao đổi với những gia đình văn hóa tiêu biểu (gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con thành đạt) trên địa bàn tỉnh thì bữa cơm gia đình chính là một trong những bí quyết để họ vun đắp yêu thương, xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình.


Không nên xem nhẹ bữa cơm hàng ngày đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình (ảnh internet)

Cưới nhau năm 1986, tài sản chưa đầy một công xoài nhưng phải lo cho cha mẹ già và 2 con ăn học, vợ chồng chú Trần Dớn (56 tuổi) và cô Phan Thị Thanh Xuân, 51 tuổi (ngụ ấp Tịnh Châu, xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh) đã phải vất vả lao động làm đủ thứ nghề: chăn nuôi heo, mua bán gòn trái,... Từ cuộc sống khó khăn, túng thiếu tứ bề, giờ đây, gia đình chú Dớn đã có thêm 10 công ruộng, đàn heo gần chục con, nhà mới (chi phí xây dựng khoảng 300 triệu đồng), 2 người con tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Mọi người trong xóm ai cũng khen ngợi gia đình chú Dớn từ lúc hàn vi đến khi làm ăn khá giả, lúc nào cũng đầm ấm, con cái học giỏi, hiếu thuận, gia đình luôn gắn bó, giúp đỡ xóm giềng. Chia sẻ về bí quyết xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc, cô Xuân cho biết: “Ngoài việc cố gắng làm việc để tạo dựng kinh tế gia đình, dạy dỗ và lo cho con cái ăn học nên người, thành tài, với tôi bữa cơm tối đoàn tụ chính là ngọn lửa nuôi dưỡng hơi ấm của gia đình. Từ trước đến nay, dù bận rộn thế nào, dù canh rau đạm bạc nhưng các thành viên trong gia đình đều cố gắng có mặt đầy đủ trong bữa cơm. Chỉ có lúc tề tụ gia đình quanh mâm cơm mọi người mới có dịp hàn huyên, chia sẻ, gột rửa, xoa dịu, vỗ về những lo âu, buồn phiền của nhau,... Từ đó, tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình được vun đắp, gắn kết nhau hơn”.

Kinh tế ổn định, gia đình đầm ấm, hạnh phúc, vợ hiền, 3 người con ngoan, ăn học thành tài, có việc làm ổn định, 10 năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đó là thành quả gần 30 năm tạo dựng của vợ chồng chú Nguyễn Thành Điệp ngụ ấp An Thạnh, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng ít thời gian dành cho gia đình, nhất là những người thành đạt trong sự nghiệp nên có được một gia đình như chú Điệp không hề đơn giản. Chia sẻ về hạnh phúc gia đình mình, chú Điệp bộc bạch: “Bữa cơm trong gia đình đối với tôi là quan trọng và đầm ấm nhất, dù có đi ăn ở nhà hàng nhưng không nhà hàng nào có thể cho mình cảm giác ấm cúng, thoải mái như ở nhà, dù bữa ăn vợ nấu chỉ có cơm canh, nước mắm kho tiêu, rau muống luộc”.

Hạnh phúc gia đình được xây dựng đơn giản như vậy đó! Nhưng để có được hạnh phúc đơn giản ấy thì người chủ gia đình, đặc biệt người phụ nữ, cần chăm lo cho bữa ăn có ý nghĩa thật sự. Những món ăn không phải cầu kỳ, nhưng cách chọn, cách nấu cần phù hợp với sở thích các thành viên, vừa với túi tiền gia đình và quan tâm đến sức khỏe từng người,... để mỗi thành viên ngồi vào mâm cơm thấy có thể ăn một chút gì đó dù ốm đau, để họ cảm nhận được sự chăm nom, săn sóc của gia đình, có như vậy hạnh phúc gia đình mới được bền vững.

Nói đến hạnh phúc gia đình chúng ta thường mô tả bằng những từ thật đẹp đẽ và được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như tình yêu, lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, sự quý trọng, hiếu đễ của con cháu đối với ông bà, cha mẹ,... Điều đó là đúng, nhưng đồng thời hạnh phúc gia đình cũng được thể hiện qua những việc làm nho nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt cụ thể, diễn ra hàng ngày trong đời thường như ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò, vui chơi của gia đình. Vì vậy, chúng ta không thể xem nhẹ ý nghĩa của bữa cơm hàng ngày đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

BÍCH LIỄU

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn