Cảm nhận khi viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 10/10/2017 06:35:31

ĐTO - Tôi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp ở TP.Cao Lãnh sau ngày 27/7 vì biết rằng, ngày đó, nghĩa trang nào cũng nhộn nhịp khách viếng, cứ như dịp đám giỗ. Tôi thích đi vào ngày bình thường, vắng khách, không bị phân tâm và dễ suy ngẫm chuyện đời. Mỗi lần từ các nghĩa trang về, tôi thấy lòng thanh thản hơn trước xô bồ cuộc sống. Các nghĩa trang liệt sĩ là “những ngôi nhà hạnh phúc”, bởi các anh đã chiến đấu và nằm xuống vinh quang trong rạng ngời lý tưởng.


Một góc Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp

Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Tháp nằm trong nội ô TP.Cao Lãnh, tỉnh lỵ Đồng Tháp, ven Quốc lộ 30 - là trục đường chính. Từ trung tâm thành phố, cách mấy km, đã thấy nơi nghĩa trang vươn lên bầu trời xanh là hai cánh hoa sen đang nhú nở. Đến gần, nghĩa trang giống như một công viên với ao sen, bồn hoa, thảm cỏ, cây kiểng, cây ăn trái... mượt mà xanh. Phía trước là tượng đài người lính, ngực đính huân chương, trầm mặc cầm đóa sen đến thăm đồng đội. Tất cả mộ chí đều được phủ màu xanh của cây và hoa, nhiều nhất là hoa trang (còn gọi là mẫu đơn). Nếu không có các tấm bia nhỏ, màu xanh chữ trắng ghi tên từng liệt sĩ, ít ai nghĩ đây là nghĩa trang. Chân đài tưởng niệm có 18 bậc thang, tượng trưng 18 đời vua Hùng kế tiếp nhau dựng nước. Dưới chân tượng đài là hoa văn trống đồng Ngọc Lũ và 3 bức phù điêu minh họa các thời kỳ lịch sử trong tỉnh. Nhìn từ trên xuống, nghĩa trang như một bông sen đang nở xòe mà nhụy hoa là hồ nước ở giữa, mỗi bên là ba cánh sen. Trên các cánh sen là nơi an nghỉ của hơn 3.000 liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến.

Trong lòng đài tưởng niệm là phòng khách được xây âm chìm một phần dưới nước, tạo cảm giác như ngồi giữa đồng bưng, chung quanh là hoa sen, hoa súng, cá lượn... Phía sau là các phòng nghiệp vụ, trong đó có phòng ghi danh các anh hùng liệt sĩ an nghỉ tại nghĩa trang.

Vào nghĩa trang mà cảm thấy gần gũi, thân thương; không bị ám ảnh cái chết bởi những mộ phần bề thế. Tôi bỗng liên tưởng tới các nghĩa trang ở châu Âu, nghĩa trang danh nhân Moskva (Nga), nghĩa trang quân đồng minh ở Thái Lan và Myanmar... Có một sự đồng điệu về văn hóa giữa sự sống và sự chết như nhạc sĩ Văn Cao đã viết trong bài thơ ngắn: “Giữa sự sống và sự chết - Tôi chọn sự sống - Để bảo vệ sự sống - Tôi chọn sự chết”.

Nghe nói, có mấy cặp đôi chọn nghĩa trang liệt sĩ Đồng Tháp làm bối cảnh chụp ảnh đám cưới. Một nét văn hóa nhân văn và đặc thù của vùng Đất Sen hồng, của đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Nếu được đầu tư và chăm chút kỹ hơn, đây sẽ là điểm đến ấn tượng. Người chết đã thảnh thơi vì trả hết nợ đời, nhất là những người chết trong hào quang của lý tưởng xả thân vì đại nghĩa. Họ đã chết cho chúng ta được sống. Nhưng nhiều nghĩa trang, người sống vẫn hơn thua, đua nhau làm mộ cho người chết hoành tráng, nhỏ to đủ kiểu. Tôi rất tâm đắc với chân lý của đạo Ông Trần ở xã đảo Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là “Sống đồng tịch, đồng sàng - Chết đồng quan, đồng quách”. Sinh ra thế nào thì ra đi khỏi cõi đời cũng như vậy. Từ cách chôn cất đến mộ chí, đều bình đẳng. Mộ không có bia. Con cái phải ghi lòng tạc dạ, nhớ chính xác để chỉ cho cháu chắt nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên.

Nếu các nghĩa trang liệt sĩ được thăm viếng thường xuyên, ít nhất là mỗi tháng, chứ không phải đợi đến ngày 27/7, thì xã hội đã bớt tiêu cực, con người bớt vô tâm và cuộc sống đã tốt đẹp hơn? Nếu biết nghĩ đến những người đã chết, thì đã không dám làm điều xấu, hại người khác.

Nguyễn Văn Mỹ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn