Cần chủ động phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 02/07/2014 06:22:44

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm, trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh có số ca mắc cao. Hàng năm có khoảng 2 ngàn đến 4 ngàn ca mắc với tỷ lệ chết/mắc khoảng 0,8 ‰. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến ngày 22/6 toàn tỉnh có 316 ca mắc SXH, giảm 50,08% so cùng kỳ năm 2013. Tuy giảm nhưng có địa phương vẫn có tỷ lệ ca mắc SXH cao, do nhiều người dân chưa ý thức phòng bệnh.


Diễu hành tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH

Nhiều người còn chủ quan

6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện Tân Hồng xảy ra 61 ca mắc SXH, trong đó xã Bình Phú và thị trấn Sa Rài mỗi địa phương có số ca mắc là 13 ca. Theo Khoa Kiểm soát dịch bệnh - Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng, Bình Phú là xã biên giới, có nhiều người dân bỏ nhà đi làm ăn xa, nhiều lu, khạp,... chứa nước mưa không được vệ sinh nên phát sinh nhiều muỗi, nhiều người mắc SXH do bị muỗi đốt. Riêng thị trấn Sa Rài có số ca mắc cao là do còn nhiều người dân lo dành thời gian làm ăn, buôn bán đến chiều tối mới về nhà nên chưa chú trọng việc vệ sinh nhà cửa, cọ rửa lu khạp chứa nước mưa.

Được biết, trong 3 ngày 16, 17 và 18 hàng tháng, Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cộng tác viên y tế các xã, thị trấn thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng để phòng ngừa SXH thông qua hình thức tuyên truyền và vệ sinh môi trường, cọ rửa lu, khạp. Tuy nhiên, sau mỗi đợt chiến dịch, cán bộ y tế đi kiểm tra lại thì thấy vẫn còn một số hộ chưa tự giác vệ sinh vật dụng chứa nước mưa để muỗi dễ dàng phát sinh. Để người dân ý thức hơn trong việc phòng ngừa SXH, hiện nay Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng phối hợp với Đài Truyền thanh huyện và Trạm Truyền thanh các xã hằng ngày tuyên truyền dịch bệnh SXH trên hệ thống loa phát thanh.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp, những năm gần đây, hình thái dịch tễ học bệnh SXH đã thay đổi, bệnh xuất hiện quanh năm chứ không chỉ có ở mùa mưa, xảy ra khắp tỉnh chứ không tập trung ở vùng nào. Nhưng vào mùa mưa muỗi có điều kiện để đẻ, nên SXH có nguy cơ tăng cao hơn mùa nắng. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ấn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết, ngày nay hầu hết người dân đều biết SXH là do muỗi truyền và biết “không có lăng quăng thì không có SXH”. Muốn phòng tránh SXH thì phải chống muỗi đốt, phải diệt muỗi, diệt lăng quăng. Nhưng từ nhận thức đến hành động còn một khoảng cách. Khi chính quyền phát động phong trào thì nhân dân hưởng ứng diệt muỗi, diệt lăng quăng, khi phong trào qua đi thì người dân lơ là, nên muỗi tái phát và dịch, bệnh tái xuất hiện.

Phòng ngừa bệnh

Theo tiến sĩ Ấn, SXH là bệnh nhiễm siêu vi, do đó trong mấy ngày đầu khởi phát, triệu chứng cũng giống như nhiễm các siêu vi khác, không thể phân biệt được, trừ khi có kết quả xét nghiệm. Vì vậy, nếu bị sốt liên tục hơn hai ngày mà uống thuốc hạ nhiệt thông thường không khỏi, hoặc uống thuốc thì hạ nhiệt nhưng khoảng một giờ sau lại sốt liên tục thì hãy nghi là SXH (vì mình đang sống trong vùng SXH lưu hành nặng), cần phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc người bệnh chờ cho đến có dấu hiệu xuất huyết mới nghĩ là bệnh SXH thì hơi muộn. Nếu chẩn đoán là SXH, thì tùy theo mức độ, bác sĩ điều trị sẽ có cách xử lý phù hợp và sẽ hướng dẫn người nhà cách chăm sóc và theo dõi cụ thể từng trường hợp.

Để phòng ngừa bệnh SXH, trước tiên người dân cần phòng tránh muỗi đốt bằng nhiều cách (ngủ mùng kể cả ban ngày; mặc quần áo dài; xua diệt muỗi bằng nhiều biện pháp). Bên cạnh đó, cả cộng đồng phải tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng ở trong nhà và xung quanh nhà mình một cách thường xuyên liên tục, vì cứ khoảng 5 - 7 ngày sẽ có một đợt muỗi mới nở; nhiều nhà diệt muỗi mà có một nhà không diệt thì muỗi nhà đó có thể gây bệnh cho cả xóm.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn