Cần giải quyết đảm bảo quyền lợi các hộ dân bị sụt lún đất ở Lấp Vò

Cập nhật ngày: 21/08/2017 11:33:55

ĐTO - Việc thi công xử lý nền đất bằng phương pháp hút chân không từ các công trình thuộc tuyến nối cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống khiến trên 54ha đất nông nghiệp ở huyện Lấp Vò bị sụt lún, ảnh hưởng đến việc sản xuất của hơn 200 hộ dân.


Đất của người dân trong vùng lõi nút giao, tuyến kết nối cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống không thể canh tác được

Tình trạng đất nông nghiệp của người dân ở huyện Lấp Vò bắt đầu bị sụt lún do việc hút chân không của các đơn vị thi công tuyến kết nối cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống bắt đầu diễn ra từ vụ lúa đông xuân 2015-2016, với diện tích gần 3,6ha đất bị sụt lún. Sau đó, hiện tượng đất sụt lún tiếp tục lan rộng, đến đầu tháng 3/2017, tổng diện tích đất bị sụt lún tăng đến hơn 33ha, với 172 hộ dân bị ảnh hưởng.

Đến tháng 7/2017, tổng diện tích đất bị sụt lún do thi công 3 gói thầu CW2A, CW2B và CW2C của tuyến kết nối cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống tại huyện Lấp Vò là hơn 54ha, với 201 hộ dân ở các xã: Bình Thành, Bình Thạnh Trung và Mỹ An Hưng B bị ảnh hưởng. Xã Mỹ An Hưng B bị ảnh hưởng lớn nhất với diện tích gần 27ha, kế đến là xã Bình Thạnh Trung hơn 25ha và xã Bình Thành hơn 2,6ha. Đất bị sụt lún sâu trung bình 1m so với ban đầu.

Tại nhiều thửa đất bị sụt lún, do độ lún quá sâu, lâu ngày các diện tích này biến thành hồ chứa nước không thể trồng lúa và hoa màu được nên người dân phải bỏ đất trống. Điển hình như các phần đất có tổng diện tích hơn 2ha đất của nhiều người dân tại nút giao thông giao với Quốc lộ 80 thuộc ấp Bình Phú Quới, xã Bình Thạnh bị sụt lún sâu, cỏ mọc đầy đồng.

Ông Nguyễn Quốc Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành cho biết: “Nhiều hộ dân có đất bị ảnh hưởng do bị sụt lún rất mong muốn đơn vị thi công có biện pháp hỗ trợ hợp lý để họ an tâm sản xuất. Nguyện vọng của người dân là được thu hồi các diện tích này vì họ không sản xuất được”.

Trước tình trạng đất nông nghiệp sụt lún, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người dân, UBND huyện Lấp Vò phối hợp cùng với các sở, ngành tỉnh nhiều lần làm việc với Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng Giao thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng Công ty Cửu Long) để tìm biện pháp hỗ trợ cho người dân.

Tính đến nay, phía Tổng Công ty Cửu Long đã phối hợp với UBND huyện Lấp Vò chi trả 4/6 vụ lúa bị thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng với tổng số hơn 1 tỷ đồng.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lấp Vò, hiện nay phía đơn vị thi công công trình chưa thực hiện hỗ trợ thiệt hại 2 vụ lúa hè thu và thu đông 2017 cho 201 hộ dân bị ảnh hưởng, với tổng số gần 1,5 tỷ đồng.

Theo Tổng Công ty Cửu Long, nguyên nhân sụt lún đất trong thi công tuyến nối cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống là do biện pháp xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm kết hợp hút chân không và khu vực dự án có địa chất là đất sét dẻo mềm nên đã gây ra hiện tượng sụt lún ngoài phạm vi xử lý. Vấn đề này, không do lỗi của thiết kế kỹ thuật và nhà thầu thi công vì nhà thầu bảo hiểm chịu trách nhiệm chi trả chi phí hỗ trợ thiệt hại về hoa màu cho người dân trên phần đất bị sụt lún.

Đầu tháng 6/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổng Công ty Cửu Long để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông.

Qua đó, UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng ADB xem xét, kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải tham mưu với Chính phủ phương án bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ các lõi nút giao để phục vụ phát triển lâu dài. Đối với hiện tượng sụt lún đất, đề nghị Tổng Công ty Cửu Long phối hợp với các đơn vị liên quan tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét, giải quyết. UBND tỉnh sẽ phối hợp với Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan trong việc giải quyết vụ việc.

Ngày 1/8/2017, ông Đỗ Ngọc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long ký văn bản số 2127 gửi Bộ Giao thông Vận tải nội dung về bồi thường ảnh hưởng các hộ dân có đất sụt lún tại huyện Lấp Vò, trong đó kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án để thực hiện nghiên cứu đánh giá và đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho phần đất bị sụt lún.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chọn phương án hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho người dân với kinh phí hơn 36 tỷ đồng để đảm bảo tính khả thi so với hai phương án hoàn trả lại đất như lúc đầu hoặc thu hồi toàn bộ diện tích đất bị sụt lún.

Hiện nay, các hộ dân có đất bị ảnh hưởng rất mong đơn vị thi công và các ngành chức năng liên quan có phương án hỗ trợ phù hợp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Tường Lam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn