Cần tăng cường giải pháp trong việc thu phí sử dụng đường bộ
Cập nhật ngày: 28/07/2014 05:33:06
Giao thông giống như huyết mạch của cơ thể, hệ thống đường bộ phải được thường xuyên duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì thì mới hoạt động được bình thường để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhu cầu vận chuyển hàng hoá cho sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế... Để làm được việc này, ngoài nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, cần phải có sự đóng góp của những người tham gia giao thông, nhất là những người sử dụng phương tiện giao thông đường bộ cơ giới đang hàng ngày, hàng giờ “lăn bánh” trên các con đường.
Tham gia giao thông phải đóng phí sử dụng đường bộ
Qua thời gian triển khai thực hiện quy định về công tác thu phí sử dụng đường bộ trên địa bàn tỉnh, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh đã triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đã dần đi vào nền nếp, đảm bảo đúng quy định, kinh phí sử dụng đúng mục đích, minh bạch, phát huy được hiệu quả đồng vốn của nhân dân đóng góp.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Công tác tổ chức thu phí không đồng bộ giữa các địa phương, thiếu chế tài xử lý trường hợp không đóng phí, chất lượng biên lai không bảo đảm, một bộ phận gia đình kê khai chưa đủ số phương tiện... đã ảnh hưởng đến kết quả thu phí. Một số địa phương còn thiếu quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu phí, thiếu kiểm tra giám sát trong công tác thu, chi nguồn phí. Một bộ phận người dân chưa chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Nhà nước về nộp phí sử dụng đường bộ. Kết quả cả năm 2013, đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh thu gần 7 tỷ đồng, chỉ đạt 38% so với kế hoạch; đối với xe ô tô, do Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thu được 25,8 tỷ đồng, đạt 29% so với kế hoạch năm; 6 tháng đầu năm 2014 thu đạt 50% so với kế hoạch.
Việc thu phí sử dụng đường bộ là nhằm huy động nguồn tài chính có liên quan đến sử dụng đường bộ cùng với nguồn ngân sách Nhà nước đáp ứng nhu cầu công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ của địa phương, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng địa phương.
Để đạt những mục đích và yêu cầu trên, chấp hành đúng chủ trương pháp luật của Nhà nước và tạo nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa các tuyến đường địa phương, trong giai đoạn nguồn kinh phí cấp từ ngân sách gặp khó khăn như hiện nay, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng rà soát kỹ tình hình thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện xe mô tô trên địa bàn, đôn đốc các xã, phường, thị trấn khẩn trương thực hiện việc thu, nộp phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện xe mô tô ở địa bàn quản lý; tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân biết về quyền lợi, nghĩa vụ và thời gian nộp phí sử dụng đường bộ; có kế hoạch thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn phí. Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền cho các chủ phương tiện tham gia giao thông về việc nộp phí sử dụng đường bộ để nhân dân biết chấp hành đúng chủ trương pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh nội dung tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân nắm rõ, nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ, thời gian nộp phí sử dụng đường bộ hàng năm.
Như vậy, việc thu phí sử dụng đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chúng ta cần sớm có những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập đang đặt ra, góp phần bổ sung nguồn kinh phí bảo trì đường bộ. Đây là ý thức, trách nhiệm của tất cả cộng đồng xã hội và những người chủ các phương tiện giao thông.
H.H