Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Cập nhật ngày: 06/10/2014 14:16:01

Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) là những chủ trương, chính sách xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta. Cụ thể hóa quan điểm này của Đảng, ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết thể hiện sự quan tâm sâu sắc, cũng như sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT. Nghị quyết còn xác định rõ tầm quan trọng, vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội và đặc biệt xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trên phạm vi cả nước có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và trên 80% dân số tham gia BHYT, theo đó thực hiện BHXH cho mọi người lao động và tiến tới BHYT toàn dân. Để đạt được những mục tiêu này, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Công tác tuyên truyền, không chỉ triển khai để các cấp, các ngành, mỗi tập thể và cá nhân nắm vững được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, mà còn nhận rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT.

Trong quá trình đưa Nghị quyết số 21 cũng như chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống thì công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Cùng với hệ thống tuyên truyền của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và BHXH các địa phương, có thể nói, trong thời gian qua, báo chí đã đóng vai trò là người hướng dẫn, là cầu nối tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, cũng như tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn về những quan điểm và mục tiêu trong Nghị quyết số 21. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và các địa phương trong việc triển khai, thực hiện chính sách BHXH, BHYT; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực và chủ động tham gia công tác BHXH, BHYT. Đồng thời, báo chí cũng là kênh thông tin chỉ ra những mặt bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương trong cả nước. Từ đó, đã có những đề xuất những giải pháp, chính sách phù hợp, cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác BHXH, BHYT... Đặc biệt, những ý kiến đóng góp, phản biện của báo chí có vai trò không nhỏ trong việc xây dựng và hoàn thiện Luật BHYT sửa đổi (được Quốc hội khóa 13 thông qua) và dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.

Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI và Chương trình hành động số 171-CTr/TU ngày 26/3/2013 của Tỉnh ủy, Kế hoạch 59/KH-UBND ngày 10/5/2013 của UBND Tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, BHXH tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trong nhân dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, người hộ cận nghèo, hộ nông, lâm nghiệp. Kết quả, đến hết quý 3/2014, toàn tỉnh có 77.350 lao động tham gia BHXH bắt buộc, 7.445 người tham gia BHXH tự nguyện, 65.628 người tham gia BHTN, có 948.740 người tham gia BHYT đạt 56,46% dân số có thẻ BHYT.

Mới đây, tại hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị” do BHXH Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ nhấn mạnh, sau gần hai năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo ra bước chuyển quan trọng trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT với tỷ lệ bao phủ của hai hình thức bảo hiểm ngày càng tăng lên, quyền lợi của người tham gia được đảm bảo tốt hơn, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT còn gặp không ít hạn chế, khó khăn. Do đó, đồng chí Đinh Thế Huynh yêu cầu, trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, BHXH Việt Nam, BHXH các cấp phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ban, ngành ở TƯ và cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị một cách nghiêm túc và đồng bộ hơn nữa. Các bộ, ban, ngành, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể ở TƯ, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cần đề cao trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, phát huy vai trò tuyên truyền, giám sát của tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT và phát hiện những hạn chế, yếu kém, sai phạm, kịp thời khắc phục, rút kinh nghiệm, đồng thời biểu dương, nhân rộng những nhân tố tích cực trong cộng đồng.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn