Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Cập nhật ngày: 26/09/2014 13:14:49
Ngoài nguồn lực nhà nước, các ngành, các địa phương đã huy động nguồn lực trong cộng đồng và các tổ chức nhân đạo, từ thiện để thực hiện các hoạt động trợ giúp trẻ em (TE) mồ côi không nơi nương tựa, TE bị bỏ rơi, TE nhiễm HIV/AIDS, TE là nạn nhân của chất độc hóa học, TE khuyết tật nặng và TE bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa (gọi tắt là TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn), qua đó nhiều TE và gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trao quà cho học sinh nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hữu Nghĩa
Những năm qua, các sở, ngành, đoàn thể và UBND các cấp chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và các văn bản liên quan đến trẻ TE bằng nhiều hình thức. Để cán bộ các ngành, các cấp, nhất là cán bộ cơ sở nắm đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ liên quan đến TE, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức 37 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 129 cán bộ cấp huyện, 777 cán bộ cấp xã, 420 cộng tác viên bảo vệ TE và trên 600 cha, mẹ và TE có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) tham dự. Trong 4 năm (2010-2013), tỉnh đã xét trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng 142.510 lượt người, trong đó có 2.975 TE mồ côi và 22.494 người khuyết tật; 3.961 gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng TE mồ côi, TE bị bỏ rơi; trợ cấp cho 3.729 người đơn thân thuộc diện hộ nghèo đang nuôi con nhỏ và 109.351 thuộc nhóm các đối tượng còn lại. Hiện nay, Nhà Tình thương đang nuôi dạy 29 trẻ mồ côi, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật nuôi dạy 102 TE khiếm thính và 53 TE chậm phát triển trí tuệ, Trung tâm Bảo trợ Xã hội nuôi dạy 12 TE mồ côi, bị bỏ rơi.
Qua vận động, các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước hỗ trợ phẫu thuật cho hàng ngàn em khuyết tật các loại; cấp xe lăn, xe lắc, làm giày nẹp, khám bệnh phát thuốc miễn phí cho nhiều em khuyết tật khác, giúp các em có cơ hội phục hồi chức năng;... Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn thanh niên và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, hội thi, hội trại, diễn đàn, sinh hoạt câu lạc bộ cho hàng chục ngàn lượt TE có HCĐB, TE có nguy cơ tại các huyện, thị xã, thành phố...
Toàn tỉnh hiện có 8.029 TE có HCĐB khó khăn, chiếm 1,92% TE dưới 16 tuổi (TE dưới 16 tuổi là 418.037 em). Trong đó, TE mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi 5.915 trẻ, 1.260 trẻ khuyết tật, 18 trẻ là nạn nhân chất độc hóa học, 65 trẻ nhiễm HIV/AIDS, 156 trẻ lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm, 30 trẻ lang thang, 37 trẻ bị xâm hại tình dục, 418 người chưa thành niên vi phạm pháp luật, 130 trẻ làm việc xa gia đình. Theo đề án chăm sóc TE có HCĐB khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014-2020 của UBND tỉnh vừa ban hành, sẽ huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp TE có HCĐB khó khăn để ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của TE và hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng chăm sóc, trợ giúp TE có HCĐB tại các cơ sở bảo trợ xã hội và cộng đồng; phát triển các hình thức nhận nuôi TE có thời hạn, chăm sóc bán trú cho TE khuyết tật nặng, TE là nạn nhân của chất độc hóa học, TE nhiễm HIV/AIDS. Phát triển các hình thức chăm sóc thay thế, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống của TE có HCĐB khó khăn...
TN