Chợt thèm bánh Tét quê nhà

Cập nhật ngày: 13/02/2021 06:32:00

Nghe gió chướng hiu hiu từ phía sông thổi qua cánh cửa bếp chiều nay, tôi bỗng chạnh lòng khi thấy trên chái bếp của má treo những ống tre ám khói và có cái đã sắp rệu rã vì thời gian. Đó là những chiếc cán bánh phồng nếp đã lâu năm không được ai dùng tới. Thuở xưa, má tôi cũng là tay cán bánh phồng khéo léo, chuyên nghiệp nhất nhì trong xóm. Những ống tre cán bánh phồng nằm im lìm nơi chái bếp này đã từng được má tôi, chị tôi nâng niu trên tay mỗi khi Tết đến, xuân về.

Bánh phồng nếp là món ăn vặt mang đậm hương vị Tết quê miền Tây Nam bộ. Bánh phải được làm từ nguyên liệu lúa nếp mới, loại dẻo thơm và thiệt rặt (không có lẫn gạo). Trước khi làm bánh, má tôi biểu lũ trẻ lựa nếp cẩn thận. Khâu chọn nếp, hấp xôi do phụ nữ làm, còn giã xôi chủ yếu do cánh đàn ông lực điền.

Sau khi vo nếp gút sạch, để ráo nước, trộn thêm ít muối và nước cốt dừa thì má tôi đem hấp cách thủy thành xôi. Khi xôi còn nóng hổi, anh tôi sẽ giã nó bằng chày. Trong lúc anh tôi giã xôi, thì ba rưới thêm nước cốt dừa và đường thắng kéo chỉ rồi dùng tay nhào bột. Cứ thế, mỗi khi anh giơ chày lên, thì ba đưa tay vô cối nhào bột một lần, cho đến khi nó trở thành khối bột thật nhuyễn và mềm mại. Tiếng thình thịch vang lên từ nhà này tới nhà kia, thay phiên, nối tiếp nhau, cộng với mùi thơm nước cốt dừa và hương nếp mới tỏa ra từ đầu xóm đến cuối xóm trong những sáng tinh mơ, khiến cho bọn trẻ chúng tôi vừa nôn nao vừa thấy phấn khích. Ngày trước, ở miền Tây mỗi khi nghe tiếng chày quết bánh phồng đâu đó là mọi người đều biết Tết đã gần kề.

Sau khi khối bột đã được quết xong, má tôi sẽ là người “bắt” bột thành viên. Mấy chị tôi đặt viên bột lên tấm lá chuối, dùng ống tre cán mỏng nó ra. Những chiếc bánh thành phẩm phải được tròn đều và đồng kích cỡ với nhau. Bánh được dán trên chiếc chiếu mới và đem phơi tới khi hết nắng trong ngày. Bánh khô mà thấy hột gạo xuất hiện rải rác, có nghĩa là khâu lựa nếp chưa được tốt.

Thường nhà ai giáp Tết mà neo người thì việc tát đìa, làm bánh phải vần đổi công với nhà khác. Vì vậy, quang cảnh chuẩn bị Tết ở miền Tây thuở xưa rất nhộn nhịp, tiếng nói, tiếng cười vui vẻ, tình nghĩa xóm làng thêm keo sơn gắn bó.

Không như bánh tráng phải được nướng bằng than củi, bánh phồng nếp thường được nướng bằng lửa ngọn, ám chút khói rơm rạ mới thật đúng mùi vị dân dã. Bánh được đặt giữa hai vĩ tre, có cán dài, người nướng phải cầm cán tre lật bánh qua lại liên tục trên ngọn lửa rơm, bánh sẽ không khét mà còn nở đều. Nếu đã cho vào bột nếp một ít bột đậu nành xay, bánh sẽ phồng to và giòn hơn. Thời đó, từ Noel đến Tết, gió chướng thổi rất lạnh. Lũ trẻ rõ là sung sướng khi chạy giỡn với nhau đã đời thì quấn bên má đòi ăn bánh nướng. Ngồi bên đống lửa rơm, chúng tôi vừa được sưởi ấm, vừa được nhai rạo rạo miếng bánh do cả nhà chung sức vô làm. Bánh thơm ngon, đôi tay má ấm áp ân cần, khiến tôi cứ ước ao: “Phải chi ngày nào cũng là Tết há má!”.

Bánh ngon phải béo, thơm và giòn tan, thao ra trong miệng. Giờ đây, khi tôi thèm hương vị bánh phồng nướng thì có thể mua bất cứ lúc nào. Khi ăn bánh, tôi cố hình dung ra dưới những tàu lá dừa phất phơ trong ngọn gió chướng, có khuôn mặt bướng bĩnh ửng hồng bên lửa rơm. Tôi như thấy bàn tay thô ráp của má đưa cho đứa con gái bé bỏng chiếc bánh thơm tho đó. Nhưng tôi vẫn không cảm nhận được mùi rơm rạ thân quen cùng hương vị bếp quê quyện trong chiếc bánh như thuở xưa.

Tết lại về, trong lòng thoáng chút nuối tiếc bâng quơ. Hai mươi mấy năm rồi, má tôi nay đã tuổi cao sức yếu, những ống tre một thời lên nước, láng bóng đành chịu ám mùi khói bụi thời gian. Chắc vì thế hệ của ba má tôi, kẻ còn người mất và cũng đã già nua hết rồi. Hơn nữa bây giờ thứ gì cũng có bán sẵn nên người ta không còn mặn mà với việc làm bánh Tết, vừa cực nhọc vừa đòi hỏi kỹ lưỡng, khéo tay. Tôi đành ngồi đây thèm thuồng. Giá như lại được chứng kiến sự rộn rịp của mùa Tết trong làng; được hít thở không khí lãng đãng hương thơm của xôi nếp mới và mùi rơm rạ đồng quê đã một thời quấn quýt tuổi thơ tôi.

Dương Thủy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn